Giá dầu châu Á nối dài đà tăng trong phiên 10/11

17:43' - 10/11/2020
BNEWS Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 16 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 40,45 USD/thùng trong phiên 10/11 tại châu Á, trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tăng 9 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 42,49 USD/thùng.
Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên 10/11 khi những hy vọng về việc sắp có vắc-xin ngừa COVID-19 có thể đủ để xua tan những lo ngại rằng nhu cầu nhiên liệu ở những nước chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ sẽ yếu trong tương lai gần.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 16 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 40,45 USD/thùng vào lúc 15 giờ 5 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tăng 9 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 42,49 USD/thùng.

Cả hai loại dầu đều tăng 8% trong phiên 9/11, mức tăng theo ngày lớn nhất trong hơn năm tháng, khi các hãng dược Pfizer và BioNTech thông báo loại vắc-xin ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối, đang được tiến hành. Tuy nhiên, việc sản xuất hàng loạt có thể mất nhiều tháng và phụ thuộc vào việc cấp phép.

Theo JP Morgan, vắc-xin ngừa COVID-19 rõ ràng đang tác động đến thị trường dầu mỏ, khi một nửa nhu cầu đến từ hoạt động vận tải. Tuy nhiên, điều đầu tiên cần giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu hiện nay trước khi giá có thể tăng.

Rystad Energy cho rằng các biện pháp phong tỏa tại châu Âu có thể khiến nhu cầu dầu giảm thêm 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Người phụ trách thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen, cho rằng tiến triển nhanh trong việc nghiên cứu vắc-xin không giảm thiểu được nguy cơ nhiều bang tại Mỹ sẽ phải áp dụng trở lại việc phong tỏa theo hình thức nào đó trong mùa Thu hoặc mùa Đông.

Số liệu về dự trữ dầu của Mỹ sẽ được Viện Xăng dầu Mỹ công bố trong ngày 10/11 và Cơ quan Thông tin Năng lượng công bố một ngày sau đó. Năm nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters nhận định, dự trữ dầu của Mỹ sẽ giảm trung bình 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 6/11.

Mức giảm của giá dầu phiên này được hạn chế nhờ phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salmanvào, ngày 9/11 rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh, được gọi là OPEC+, có thể điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm nguồn cung nếu nhu cầu giảm trước khi có vắc-xin ngừa COVID-19.

OPEC+ đã nhất trí cắt giảm nguồn cung 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng Tám đến tháng 12/2020 và sau đó sẽ cắt giảm 5,7 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục