Giá dầu tuần qua mạnh lên nhờ đà tăng trong các phiên đầu tuần

16:14' - 07/11/2020
BNEWS Mặc dù giảm xấp xỉ 4% trong phiên giao dịch cuối tuần, song giá dầu thế giới vẫn ghi nhận tuần đi lên nhờ đà tăng mạnh trước đó.

Ngay trong hai phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thế giới đồng loạt đảo chiều đi lên sau một tuần giảm mạnh, nhờ một loạt số liệu kinh tế tích cực.

Theo báo cáo của J.P.Morgan và IHS Markit phối hợp với Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ và Hiệp hội Mua hàng và Quản lý nguồn cung Quốc tế, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo toàn cầu ở mức 53 điểm trong tháng 10/2020, cao nhất trong 29 tháng qua, so với mức 52,4 điểm trong tháng 9/2020.

Nhà kinh tế phụ trách toàn cầu của J.P.Morgan, Olya Borichevska, cho biết hoạt động chế tạo toàn cầu tiếp tục phục hồi vào đầu quý IV/2020, với các chỉ số phụ về sản lượng và đơn hàng mới nằm trong số những mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua.

Đồng USD suy yếu và những thông tin mới nhất liên quan tới chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng góp phần hậu thuẫn giá dầu trong phiên tiếp theo (4/11).

OPEC và các nước đồng minh bao gồm Nga, hay còn gọi là OPEC+, có thể cân nhắc hủy bỏ kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2021 giữa bổi cảnh làn sóng COVID-19 thứ hai đã tác động đến sự phục hồi nhu cầu "vàng đen".

Trước đó, OPEC+ đã nhất trí sẽ cắt giảm thêm khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày từ mức 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay bắt đầu từ tháng 1/2021.

Các kho dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 8 triệu thùng trong tuần trước trong bối cảnh siêu bão Zeta khiến sản lượng sụt giảm tại khu vực vùng Vịnh Mexico, qua đó đẩy giá dầu đi lên.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp phong tỏa đã hạn chế đà tăng của giá dầu và gây ảnh hưởng đến nhu cầu. Italy, Na Uy và Hungary đã thắt chặt các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, theo sau Anh, Pháp và các nước khác.

Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay hiện vẫn chưa ngã ngũ, song Robert Yawger, chuyên gia tại Mizuho ở New York (Mỹ) nhận định cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ đang chi phối mạnh mẽ các thị trường.

Nếu kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ có thể kéo theo dự báo về một gói kích thích kinh tế quy mô lớn thì đây sẽ là nhân tố tích cực đối với giá dầu.

Thị trường “vàng đen” đi xuống trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, giữa bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn cầu không ngừng gia tăng.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 7/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 49,64 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1,24 triệu ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số người mới nhiễm virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy - 129.634 ca - và cũng là cao nhất thế giới.

Tính đến nay, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt con số 10 triệu ca, lên 10.055.680 ca, trong đó có 242.203 ca tử vong.

Đáng chú ý, phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/11, giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng và ghi nhận mức giảm khoảng 4% đối với cả hai loại dầu chủ chốt, giữa bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đi đến hồi kết.

Khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 1,65 USD (4,25%), xuống 37,14 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc hạ 1,48 USD (3,62 %), xuống 39,45 USD/thùng. Tuy vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent vẫn tăng 5%, còn dầu WTI tiến 4,3%.

Cũng trong phiên này, báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng 5% trong tuần này, lên 226 giàn khoan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục