Giá dầu kỳ hạn của Mỹ tăng kỷ lục 88% trong tháng Năm

13:20' - 30/05/2020
BNEWS Giá dầu kỳ hạn của Mỹ chốt phiên 29/5 đảo chiều tăng, khi các nhà giao dịch chú ý tới những diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc số giàn khoan tại Mỹ lại giảm.

Giá dầu kỳ hạn của Mỹ chốt phiên 29/5 đảo chiều tăng, khi các nhà giao dịch chú ý tới những diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc số giàn khoan tại Mỹ lại giảm, cho thấy sản lượng trong nước tiếp tục đi xuống.

Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng Bảy tăng 1,78 USD, hay 5,3%, chốt phiên ở mức 35,49 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.

Theo Dow Jones Market Data, trong tháng Năm, giá dầu WTI tăng kỷ lục 88,4%, dựa trên số liệu từ năm 1983.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng 4 xu, hay 0,1%, chốt phiên ở mức 35,33 USD/thùng tại Sàn ICE Futures Europe. Giá dầu này tăng 39,8% trong tháng Năm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/1999.

Giá dầu WTI lên giá ngay sau báo cáo của Baker Hughes cho thấy số giàn khoan tại Mỹ giảm 15, xuống 222 trong tuần, do những tác động từ sự gián đoạn nguồn cung và diễn biến giá dầu đến hoạt động khai thác.

Trong khi đó, nhà phân tích thị trường của The Price Futures Group, Phil Flynn, cho biết người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói dù căng thẳng đang gia tăng, ông Trump sẽ không rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc cũng như Mỹ mạnh hơn nhiều so với dự kiến.

Những dấu hiện này xuất hiện khi Mỹ cùng với các nền kinh tế lớn khác từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Nhu cầu tăng khi sản lượng của Mỹ tiếp tục giảm và sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thấp kỷ lục trong tháng Năm.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 28/5 cho thấy sản lượng theo tuần giảm 100.000 thùng/ngày, xuống 11,4 triệu thùng/ngày.

Trong ngày 29/5, khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng của OPEC giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ là 24,77 triệu thùng/ngày trong tháng Năm.

Trong tuần qua, giá dầu thế giới đi lên trong hai phiên đầu tuần, trước khi giảm trong phiên 27/5 khi ông Trump có hàm ý phản đối Trung Quốc liên quan tới kế hoạch ban hành luật an ninh mới ở Đặc khu Hành chính Hong Kong và một số nhà đầu tư nghi ngờ cam kết cắt giảm mạnh sản lượng của Nga.

Khép phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,65 USD (4,6%) xuống 34,52 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,54 USD (4,5%) xuống 32,81 USD/thùng.

Tuy nhiên, sự cải thiện trong hoạt động lọc dầu của Mỹ đã đẩy giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 28/5, bất chấp sự gia tăng đột ngột của các kho dự trữ dầu thô và dầu diesel tại nước này, cũng như những lo ngại rằng luật an ninh Hong Kong có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt thương mại.

Khép phiên này, giá dầu Brent giao tháng 7/2020 tăng 1,6% lên 35,29 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,7% lên đóng phiên ở mức 33,71 USD/thùng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại sự phục hồi của giá dầu có thể khiến nỗ lực cắt giảm sản lượng được đẩy mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục