Giá dầu ngọt nhẹ hạ xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng qua

19:17' - 17/09/2016
BNEWS Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong tuần qua do những dự báo thiếu lạc quan về triển vọng cung-cầu, hoạt động chốt lời và sự hoài nghi về thỏa thuận hạn chế nguồn cung giữa các nước sản xuất dầu mỏ.
Giá dầu ngọt nhẹ hạ xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng qua. Ảnh minh họa: reuters
Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong tuần qua do những dự báo thiếu lạc quan của thị trường về triển vọng cung-cầu, hoạt động bán ra chốt lời và sự hoài nghi về thỏa thuận hạn chế nguồn cung giữa các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt tại cuộc họp ngày 26-28/9 tới. 

Mặc dù khởi đầu tuần (ngày 12/9) với đà tăng, nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều đánh giá tình trạng dư cung trên thị trường “vàng đen” hiện nay có thể kéo dài hơn dự kiến, đã “phủ bóng đen” lên hoạt động giao dịch dầu mỏ. Cụ thể, IEA- cơ quan tư vấn chính sách năng lượng cho các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ- ngày 13/9 cho biết thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục ở trong trạng thái dư cung ít nhất đến giữa năm 2017, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng chậm lại đáng kể, cùng với dự trữ tiếp tục đầy lên. Phát biểu của IEA được đưa ra chỉ một ngày sau khi OPEC công bố báo cáo dự đoán sản lượng của các nước ngoài nhóm này sẽ gia tăng trong nửa đầu năm 2017, tạo thêm mối lo đối với các nhà đầu tư về tình trạng dôi dư nguồn cung toàn cầu - nguyên nhân chính khiến thị trường dầu "lao dốc" trong hơn hai năm qua. 

Mặc dù báo cáo ngày 14/9 của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 9/9 đã giảm khoảng 600.000 thùng, song thông tin này không đủ sức giúp thị trường “vàng đen” thoát khỏi xu hướng giảm sâu bởi cùng ngày này, Công ty dầu mỏ quốc gia Libya cho biết sẽ họ tăng gấp đôi sản lượng trong vòng bốn tuần sau khi phe đối lập tuyên bố sẽ trao trả toàn bộ bốn cảng xuất khẩu dầu ở Libya mà họ chiếm giữ trước đó. 

Phải tới phiên 15/9, giá dầu mới quay đầu đi lên, sau khi có tin 6.000 thùng xăng bị rò rỉ gần Birmingham, Alabama (Mỹ) từ đường ống Colonial vận chuyển nhiên liệu từ vùng Gulf Coast tới phía Đông nước Mỹ. Ông Tim Ivan, chuyên gia thuộc Citi Futures, cho biết trong điều kiện bình thường đường ống trên sẽ hoạt động trở lại trong tuần tới và thị trường năng lượng thế giới sẽ tiếp tục chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng nguồn cung hiện tại và dõi theo cuộc họp bàn về sản lượng giữa OPEC và các nhà xuất khẩu lớn khác tại Algeria cuối tháng Chín. 

Do vậy, đà tăng của của giá dầu không thể kéo sang phiên giao dịch cuối tuần 16/9, giữa bối cảnh giới đầu tư lại tập trung vào nguy cơ đẩy mạnh sản lượng của Lybia và Nigeria. Khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 10/2016 giảm 88 xu Mỹ (2%), xuống 43,03 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 10/8. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 11/2016 cũng hạ 82 xu Mỹ (1,8%), xuống 45,77 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng Chín tới nay. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI mất 6,2%, còn dầu Brent giảm 4,7%. 

Cũng trong ngày cuối tuần, báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng 2 giàn lên 416 giàn, đánh dấu tuần tăng thứ 11 trong 12 tuần qua. Điều này càng khiến mối lo về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu trở nên dai dẳng hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục