Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên 12/5

08:46' - 13/05/2022
BNEWS Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên giao dịch 12/5, giữa bối cảnh lo ngại về nguồn cung vẫn tiếp diễn.

Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên giao dịch 12/5, giữa bối cảnh lo ngại về nguồn cung vẫn tiếp diễn và căng thẳng địa chính trị tại châu Âu đã lấn át những dự báo kém lạc quan về tình hình kinh tế đang ảnh hưởng tới các thị trường tài chính do lạm phát tăng cao.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 42 xu Mỹ (0,4%), lên 106,13 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc lại hạ 6 xu Mỹ, xuống 107,45 USD/thùng.

John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital LLC (Mỹ), nhận định: “Giao dịch trên thị trường dầu mỏ rất thưa thớt và không ai biết điều gì sẽ xảy ra”. Một lệnh cấm vận đang chờ thông qua của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga, nhà cung cấp dầu thô và nhiên liệu chính cho khối, được cho là sẽ làm eo hẹp hơn nữa nguồn cung toàn cầu.

EU vẫn đang thảo luận về chi tiết của lệnh cấm vận Nga, và cần được sự ủng hộ thống nhất của các thành viên. Tuy nhiên, một cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn khi Hungary phản đối lệnh cấm vì nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước này.

Giá dầu và thị trường tài chính chịu sức ép trong tuần này trong bối cảnh lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, đồng USD ở mức cao nhất trong hai thập kỷ, lo ngại về lạm phát và khả năng suy thoái.

Các đợt phong tỏa do dịch COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc- quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới- cũng ảnh hưởng đến thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 của Mỹ tăng 8,3%, làm gia tăng lo ngại về khả năng nâng lãi suất mạnh hơn, và tác động của chúng đối với tăng trưởng kinh tế.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2022, do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng và sự bùng phát trở lại của đại dịch ở Trung Quốc.

Hôm 11/5, giá dầu đã tăng 5% sau khi Nga trừng phạt 31 công ty có trụ sở tại các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva sau chiến dịch tại Ukraine. Điều đó đã tạo ra sự bất an trên thị trường, giữa lúc lượng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine giảm 1/4. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine bị gián đoạn kể từ  khi cuộc xung đột diễn ra./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục