Giá dầu thế giới nối dài chuỗi phiên tăng giá, chứng khoán phần lớn giảm điểm

15:22' - 11/02/2021
BNEWS Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ phần lớn giảm điểm trong phiên 10/2, trong khi giá dầu ghi nhận chuỗi ngày tăng giá dài nhất trong hai năm qua.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục mới 31.437,80 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 3.909,88 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 13.972,53 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở London giảm 0,1% xuống 6.524,36 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 0,6% xuống 13.932,97 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris giảm 0,4% xuống 5.670,80 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,4% xuống 3.648,37 điểm.

Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thông qua một gói kích thích lớn, mặc dù con số cuối cùng có thể sẽ thấp hơn mức 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Mỹ vẫn còn "rất xa" trong việc tiến đến mục tiêu thị trường lao động “khỏe mạnh”, và dường như không có sự thay đổi nào trong các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này.

Ông Powell cũng nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi về nguy cơ lạm phát gia tăng, điều mà một số nhà kinh tế cho rằng có thể xảy ra nếu Chính phủ Mỹ thông qua một biện pháp kích thích lớn khác.

Bình luận của ông được đưa ra sau số liệu công bố ngày 10/2 cho thấy giá tiêu dùng tháng 1/2021 không biến động nhiều, ngoại trừ xăng tăng mạnh trở lại.

Các thị trường tài chính tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan đóng cửa nghỉ lể trong ngày 11/2.

Trong khi đó, giá dầu nới rộng đà tăng trong phiên thứ chín, ghi nhận chuỗi ngày tăng giá dài nhất trong hai năm qua nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung và hy vọng về chương trình triển khai tiêm phòng vaccine sẽ thúc đẩy nhu cầu phục hồi.

Trong khi đó, trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 38 xu Mỹ (0,6%) lên 61,47 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất của 13 tháng là 61,61 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ tăng 31 xu Mỹ (0,6%) lên 58,68 USD/thùng, sau khi leo lên mức “đỉnh” của 13 tháng là 58,76 USD/thùng.

Lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ giảm cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu đã giảm tuần thứ ba liên tiếp trong tuần trước, giảm 6,6 triệu thùng xuống 469 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, và trái ngược với dự báo tăng 985.000 thùng mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra.

Một vài nhà phân tích dự báo nguồn cung sẽ thấp hơn nhu cầu trong năm 2021 khi nhiều người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và người dân đi lại nhiều hơn và việc làm việc tại văn phòng bắt đầu được nối lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục