Giá dầu thế giới phiên 3/11 đi xuống

07:53' - 04/11/2022
BNEWS Nhà phân tích Edward Moya cho hay thị trường dầu đang phải đương đầu với triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và đồng USD mạnh lên, và những yếu tố này sẽ không sớm thay đổi.

Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% trong phiên 3/11 trong bối cảnh lãi suất Mỹ tăng đẩy giá đồng USD lên cao, làm dấy lên quan ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu, tác động đến nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, đà giảm của dầu đã bị hạn chế do lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

 

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,49 USD (1,5%) xuống 94,67 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,83 USD (2%) xuống 88,17 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 1% trong phiên 2/11 nhờ thông tin cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và Chủ tịch Fed bình luận vẫn sớm để cân nhắc việc ngừng tăng lãi suất.

Điều đó đã đẩy giá đồng USD lên cao trong phiên 3/11, cùng với Chủ tịch Powell nói rằng lãi suất của Mỹ có thể chạm mức đỉnh cao hơn mức các nhà đầu tư dự đoán. Đồng USD mạnh làm giảm nhu cầu dầu, khiến nó trở nên đắt hơn cho những khách hàng sử dụng đồng tiền tệ khác.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty phân tích và dữ liệu OANDA (Mỹ), cho hay thị trường dầu đang phải đương đầu với triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và đồng USD mạnh lên, và những yếu tố này sẽ không sớm thay đổi.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ đã bất ngờ giảm trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh bất chấp nhu cầu trong nước chậm lại giữa lúc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Mỹ không phải là nước duy nhất thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 1989, song cảnh báo nước này đối mặt với cuộc suy thoái kéo dài.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế bởi dự báo nguồn cung trên thị trường sẽ thắt chặt trong những tháng tới.

Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5/12 và sau đó là việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu trong tháng 2/2023.

Sản lượng thấp hơn từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng hỗ trợ giá hàng hóa này, với cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy sản lượng OPEC đã giảm trong tháng 10 lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022.

OPEC và các nước đồng minh, trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, hồi đầu tháng 10/2022 đã quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục