Giá dầu tuần qua đi lên bất chấp phiên cuối tuần ảm đạm

11:41' - 10/09/2016
BNEWS Giá dầu thế giới giảm gần 4% trong phiên giao dịch ngày 9/9 do hoạt động chốt lời, “bốc hơi" hầu hết nỗ lực đi lên của mặt hàng này trong phiên trước đó.
Giá dầu tuần qua đi lên bất chấp phiên cuối tuần ảm đạm. Ảnh: cnbc

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn tăng giữa bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết tình trạng dư cung trên thị trường “vàng đen”.

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 2/9 giảm con số ấn tượng 14,5 triệu thùng - mức giảm theo tuần lớn nhất trong vòng 17 năm qua.

Thông tin tích cực này đẩy giá của cả hai loại dầu chủ chốt tăng hơn 2 USD trong phiên 8/9, với giá dầu Brent có thời điểm vượt mốc 50 USD/thùng.

Sau đó, thị trường nhanh chóng nhận ra kết quả trên có được là nhờ nhập khẩu dầu mỏ trong tuần trước giảm 1,8 triệu thùng/ngày và hoạt động sản xuất dầu khí tại khu vực vịnh Mexico bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Hermine, chứ đây không phải là dấu hiệu của nhu cầu tiêu thụ mạnh lên.

Các chuyên gia dự đoán dự trữ “vàng đen” của Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng trong những tuần tới.

Đến phiên cuối tuần (9/9), hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ khiến giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2016 tại thị trường New York giảm 1,74 USD, hay 3,7%, và đóng cửa phiên này ở mức 45,88 USD/thùng.

Còn tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 11/2016 hạ 1,98 USD, hay 4%, xuống 48,01 USD/thùng.

Tuy nhiên, so với thời điểm chốt phiên tuần trước, giá dầu WTI tăng 3,2% và giá dầu Brent tiến thêm khoảng 2,5%, giữa bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC và Nga có thể đạt được một thỏa thuận đóng băng sản lượng trong một cuộc họp tại thủ đô Algiers, Algeria vào cuối tháng này.

Cuộc họp này sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, được tổ chức trong ba ngày 26-28/9.

Quyết định đẩy mạnh hoạt động khai thác của Iran sau khi Tehran được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, đã làm đổ vỡ các vòng thảo luận về một chính sách hạn chế sản lượng của OPEC hồi đầu năm.

Tuy nhiên, trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định quốc gia Hồi giáo này sẵn sàng ủng hộ "bất kỳ quyết định nào" nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới, đồng thời cho rằng giá dầu trong khoảng 50-60 USD/thùng là mức mong đợi của hầu hết các nhà sản xuất trong OPEC.

Theo số liệu của Bộ Dầu mỏ Iran, tổng sản lượng dầu của Iran tăng lên 3,85 triệu thùng/ngày, gần đạt mức trước thời điểm bị cấm vận kinh tế.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát vẫn bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu ảm đạm trong khi nguồn cung vẫn tiếp tục tăng. Ngày 9/9, ngân hàng Morgan Stanley dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ duy trì trạng thái dư cung cho đến năm 2018, với sản lượng của các quốc gia như Mỹ, Iraq, Iran, Nigeria và Libya đều có thể tăng lên.

Morgan Stanley nhận định các nhà sản xuất đã dần thích nghi với tình trạng giá dầu thấp trong thời gian dài, và bắt đầu rót vốn đầu tư trở lại. Ngân hàng này dự báo giá dầu sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 35-55 USD/thùng nếu tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục