Giá nhiên liệu tăng cao - "báo động đỏ" đối với kinh tế Pháp

15:49' - 15/03/2022
BNEWS Giá xăng tại Pháp hiện đã vượt quá 2 euro (2,19 USD)/lít do cuộc khủng hoảng Ukraine, qua đó gây căng thẳng nghiêm trọng cho ngân sách của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Giá điện và giá lương thực đang tăng theo đà leo thang của giá dầu và khí đốt, khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi người dân phải điều chỉnh ngân sách gia đình.

 

Khó khăn nối tiếp khó khăn

Cyril Piola, một nhà điều hành công ty vận tải có trụ sở tại miền Đông nước Pháp, cho biết: "Tôi có 11 nhân viên. Vì chúng tôi là một doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình nên tôi coi họ là những thành viên trong gia đình mình. Điều này có nghĩa là tôi có 11 gia đình phải chăm sóc".

Đối mặt với giá năng lượng tăng vọt, giá vận tải đường bộ và giá cước xe tải đã tăng gấp đôi, Piola buộc phải nghĩ về “sự sống còn, thay vì chỉ là tồn tại".

Ông Piola cho hay, mỗi chiếc trong số 11 xe tải mà doanh nghiệp của ông điều hành tiêu thụ khoảng 1.000 lít dầu diesel mỗi tuần. Với giá nhiên liệu tăng cao hiện nay, ông phải chi thêm 17.000 euro để các xe tải tiếp tục hoạt động trong hai tháng qua so với cùng kỳ năm trước.

Thêm váo đó, giá lương thực cũng ngày càng tăng, đặc biệt là giá ngũ cốc, và do đó giá dầu diesel sinh học cũng sẽ tăng lên. Ông lưu ý rằng, đóng cửa công ty là biện pháp cuối cùng nếu muốn tránh phải gánh nợ để nuôi gia đình.

Mesut Mert, người làm đại diện bán hàng cho công ty thực phẩm Danone, cho biết các siêu thị nhỏ ở địa phương đang được hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu tăng đều đặn.

Ông nói: “Bằng cách đến các cửa hàng địa phương gần nơi sinh sống, người dân sẽ tiets kiệm được chi phí do tốn ít nhiên liệu hơn”.

Vào giữa tháng 2/2022, giá xăng trung bình ở Pháp là 1,70 euro/1lít. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra vào những ngày cuối tháng Hai, giá xăng đã tăng vọt lên hơn 2 euro/lít trong vòng vài ngày.

Jean-Yves Chardon và Hugo Danancher là hai người nông dân ở miền Đông nước Pháp. Chardon trồng rau và Danancher chăn bò.

Cả hai đều phụ thuộc nhiều vào dầu diesel và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu điện năng. Giá nhiên liệu tăng cao buộc họ phải tăng giá bán và chi phí giao hàng cũng đội lên.

Ludovic Cordier sử dụng ô tô riêng của mình để kinh doanh dịch vụ taxi, phục vụ những người không sở hữu ô tô hoặc đã bị “treo” bằng lái.

Gần đây nhất, nhóm khách hàng của anh cũng bao gồm những người không muốn - hoặc không có khả năng – chi thêm cho hóa đơn nhiên liệu.

Marie-Laure Beyer, sống gần thành phố Metz, phía Đông Bắc nước Pháp, tin rằng cô đã tìm ra giải pháp tạm thời cho vấn đề nhiên liệu.

Cô đã đi qua biên giới để tiếp nhiên liệu ở Luxembourg (Lúc-xăm-bua), cách nhà 50 km. Cô nói: "Đã 15 năm tôi không đến Luxembourg để đổ xăng cho chiếc ô tô của mình. Nhưng ngay cả khi giá nhiên liệu tại đó tăng, nó vẫn luôn rẻ hơn từ 20-25 xu châu Âu mỗi lít so với ở Pháp".

Jennifer Pont là một y tá làm việc lưu động trong một đội ngũ y tế gồm 5 người ở một vùng nông thôn của Pháp. Cô chuyên tới chăm sóc bệnh nhân tại nhà, với quãng đường phải đi từ 100-150 km mỗi ngày.

Cô nói: "Tôi từng phải trả 55 euro/tuần cho chi phí nhiên liệu, hiện giờ mức chi phí này đã tăng lên 75-80 euro/tuần”.

Trong khi đó, cô và các đồng nghiệp trong đội của mình không đủ điều kiện nhận viện trợ của Chính phủ Pháp bởi các khoản trợ cấp theo hệ thống an sinh xã hội của nước này không thay đổi mức chi trả trong ít nhất 10 năm.

Đối với Evelyne Badonnel, người dân sống trong một thị trấn nhỏ với khoảng 950 cư dân tại vùng nông thôn Pháp, giải pháp ứng phó với giá nhiên liệu “tăng vọt” thậm chí còn “tạm bợ” hơn.

Cô nói: "Ở nông thôn, các lựa chọn phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế. Có xe buýt phục vụ khu vực mà tôi sinh sống, nhưng lịch trình của họ không phù hợp với giờ làm việc của tôi”

Do đó, cô đang cân nhắc mua một chiếc xe đạp điện nhưng đã từ bỏ vì điều đó sẽ không giúp cô có thể đưa con đi học và các hoạt động khác.

Nỗ lực "thoát hiểm"

Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và chưa có dấu hiệu "dịu" xuống, Chính phủ Pháp cũng đã xem xét một số biện pháp nhằm hỗ trợ đời sống và hoạt động kinh doanh tại nước này.

Bắt đầu từ ngày 21/3 tới, các trạm xăng bán lẻ lớn của Pháp sẽ giảm trung bình khoảng 35 xu/lít. Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng cho biết, từ ngày 1/4, tất cả công dân Pháp sử dụng xăng sẽ được hoàn lại 15 xu cho mỗi lít, có hiệu lực trong 4 tháng.

Thủ tướng Castex ước tính biện pháp trên sẽ giúp người lái xe tiết kiệm được 9 euro cho một bình xăng dung tích 60 lít. Ở chiều ngược lại, Chính phủ Pháp sẽ tiêu tốn hơn 2 tỷ euro cho biện pháp hỗ trợ này.

Thủ tướng Castex cũng cho hay khoản trợ giá trên sẽ được áp dụng cho cả các hộ gia đình cũng như các lái xe tải và người nông dân.

Ông Castex đồng thời kêu gọi các nhà phân phối nhiên liệu cần củng cố các biện pháp của chính phủ bằng nỗ lực giảm giá bán lẻ của chính họ.

Thông tin trên được đưa ra giữa bối cảnh giá xăng và dầu diesel bán lẻ tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian qua khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trên thị trường, vào thời điểm các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau giai đoạn suy giảm vì đại dịch COVID-19.

Theo giới quan sát, đây là một phần trong nỗ lực ủng hộ những người lái xe ở Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron, người đang vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử vào tháng tới.

Tổng hống Macron cho biết chính phủ của ông đã chi 20 tỷ euro mỗi năm để tiết chế chi phí xăng và điện cho người dân.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) dự báo, với đà tăng giá nhiên liệu và thực phẩm hiện tại, tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ đạt 3,7% trong năm nay.

BoF cảnh báo, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ chậm lại, trong khi lạm phát tăng, do tác động từ căng thẳng tại Ukraine.

BoF dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5-1,1 điểm phần trăm so với khi không nổ ra xung đột tại Ukraine.

Theo BoF, GDP của Pháp sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay, theo kịch bản thứ nhất là giá dầu ở mức trung bình 93 USD/thùng, nhưng sẽ chỉ tăng trưởng 2,8%, theo kịch bản thứ hai là giá dầu lên đến 119 USD/thùng.

Nếu không nổ ra xung đột tại Ukraine và nguồn cung dầu từ Nga không bị ảnh hưởng, mức tăng trưởng dự kiến của kinh tế Pháp sẽ đạt khoảng 3,6-3,9%. BoF dự báo lạm phát ở mức 3,7% trong năm nay theo kịch bản thứ nhất và 4,4% theo kịch bản thứ hai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục