Gia tăng số doanh nghiệp Singapore ngừng hoạt động

08:30' - 13/07/2022
BNEWS Mặc dù điều tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 dường như đã qua nhưng nhiều doanh nghiệp Singapore đã quyết định bỏ cuộc, với tổng số 24.503 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong nửa đầu năm nay.
Theo Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore, mặc dù điều tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 dường như đã qua đi, nhưng nhiều doanh nghiệp Singapore đã quyết định bỏ cuộc, với tổng số 24.503 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong nửa đầu năm nay, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Ba lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh nhất là dịch vụ ăn uống, sản xuất và thương mại bán lẻ. Nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ ăn uống đóng cửa là do chi phí tăng cao và khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực.

Bên cạnh đó, nhu cầu về bán lẻ và ăn uống cũng bị giảm sút do thị trường du lịch trong nước vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Ngoài ra, với việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử, lĩnh vực bán lẻ tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các kênh bán hàng trực tuyến.

Lĩnh vực sản xuất chứng kiến sự gia tăng số doanh nghiệp đóng cửa lên đến 11% so với năm 2021. Một lý do có thể là môi trường hoạt động đầy thách thức do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc đã gây ra những ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, cũng như giá hàng hóa và năng lượng cao hơn.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp được thành lập trong nửa đầu năm nay cũng ít hơn so với năm ngoái, với tổng cộng có 31.431 doanh nghiệp được thành lập, giảm 6% so với cùng kỳ.

Phó giáo sư Goh Puay Guan từ Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng một lý do khiến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động và ít doanh nghiệp được thành lập hơn có thể là độ trễ thời gian, vì các doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh.

Trong khi đó, ba lĩnh vực có sự gia tăng nhiều nhất về số lượng công ty mới được thành lập trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái ở Singapore là tài chính và bảo hiểm, xây dựng, thông tin và truyền thông.

Giáo sư Goh cho biết lĩnh vực xây dựng hiện có nhiều cơ hội sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế được dỡ bỏ và số lượng các dự án khu vực công trong năm 2022 và 2023 dự kiến sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, đại dịch đã đẩy nhanh nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ.

Ông Alvin Poh, cố vấn tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết lĩnh vực tài chính và bảo hiểm cũng như thông tin và truyền thông đã chứng kiến khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh nhất bất chấp đại dịch, với khu vực dịch vụ tài chính tăng 5,1% vào năm 2020, thậm chí còn nhanh hơn so với trước đại dịch. Những lĩnh vực này cũng ít bị ảnh hưởng nhất bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng do dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục