Giá "vàng nâu" vượt "vàng đỏ": Ai được hưởng lợi?

05:30' - 28/03/2024
BNEWS Đầu năm 2024, cacao được giao dịch ở mức dưới 4.200 USD/tấn. Các hợp đồng tương lai đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Do đó, “vàng nâu” đã trở nên đắt hơn kim loại đồng.
Bình luận về giá cacao trên thị trường nguyên liệu, nhật báo Les Echos cho biết giá loại "vàng nâu" này đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, và lần đầu tiên trong lịch sử, giá đã vượt ngưỡng 9.000 USD/tấn vào hôm 25/3, hơn cả đồng, kim loại vốn được ví như "vàng đỏ". Sự bùng phát về giá nguyên liệu thực phẩm này chủ yếu liên quan đến điều kiện thời tiết xấu và bệnh tật đã ảnh hưởng đến cây cacao ở Tây Phi.

Trong khi lễ Phục sinh đang đến rất gần, giá cacao vẫn tiếp tục tăng chóng mặt. Vào đầu năm 2024, cacao được giao dịch ở mức dưới 4.200 USD/tấn. Các hợp đồng tương lai, tăng khoảng 50% chỉ trong tháng này, đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Do đó, “vàng nâu” đã trở nên đắt hơn kim loại đồng, vật liệu trọng yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Căng thẳng về nguồn cung chủ yếu liên quan đến điều kiện thời tiết xấu và sự phát triển của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cây trồng ở Tây Phi, nơi có diện tích trồng cacao lớn nhất thế giới. Năng suất cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi hiện tượng El Niño. Xuất hiện trở lại vào năm 2023, lần đầu tiên hiện tượng khí hậu này mang đến lượng mưa lớn cho khu vực, sau đó là nắng nóng khô hạn.

Ngành cacao phát triển chủ yếu nhờ vào các nông hộ nhỏ ở Ghana và Bờ Biển Ngà. Nhưng năm nay, họ đã phải đối mặt với tình trạng sản lượng kém. Theo dự báo của Tổ chức Cacao Quốc tế, sản lượng thu hoạch toàn cầu giai đoạn 2023-2024 dự kiến sẽ thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Mọi sự chú ý hiện nay tập trung vào vụ thu hoạch sắp tới ở Tây Phi, vụ này nhỏ hơn trong hai vụ chính hàng năm. Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất lớn nhất, một lần nữa sẽ phải chứng kiến sản lượng cacao giảm.

Theo sàn giao dịch eToro, giá nguyên liệu này đã tăng 162% so với kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm ngoái. Đối mặt với sự gia tăng này, các nhà sản xuất sẽ tiếp tục đẩy chi phí vào giá bánh kẹo socola của họ, đặc biệt là khi giá đường cũng tăng vọt trong những tháng gần đây. Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất buộc phải giảm kích thước những phong socola, hoặc cung cấp các sản phẩm "biến tấu" kết hợp với các thành phần khác.

Bà Emily Stone, người sáng lập công ty kinh doanh Uncommon Cacao, cho biết: “Người tiêu dùng đã không được thấy giá thực sự của socola trong một thời gian dài. Căng thẳng có thể đè nặng lên người tiêu dùng châu Âu vì các quy định nhằm ngăn chặn việc bán các sản phẩm do nạn phá rừng có nguy cơ làm phức tạp thêm nguồn cung của các nhà sản xuất socola ở EU. Các quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024 và đặc biệt sẽ cấm nhập khẩu hạt cacao vào châu Âu nếu chúng đến từ các lô đất bị phá rừng hoặc suy thoái trước ngày 31/12/2020”.

Bà Diana Gomes, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, cảnh báo: “Socola có thể còn đắt hơn vào Lễ Phục sinh năm 2025, nếu bệnh cây cacao và thời tiết xấu kéo dài tình trạng thâm hụt, trong khi giá đường tăng cao”.

Giá cả tăng cao đang xáo trộn các hoạt động sản xuất toàn cầu. Khu vực Mỹ Latinh có thể trở thành "ngư ông đắc lợi". Việc giá cacao bùng nổ và có thể lên tới hơn 10.000 USD/tấn có thể là nỗi buồn của những người yêu thích socola. Nhưng với các nhà sản xuất Mỹ Latinh, họ đang mỉm cười và thậm chí còn có tham vọng trở thành những nhà sản xuất hàng đầu của món “vàng nâu”.

Trong nhiều thập kỷ, cacao là sản phẩm tiêu biểu của hai quốc gia Tây Phi là Bờ Biển Ngà và Ghana, lần lượt đóng góp 40% và 15% nguồn cung thế giới. Tuy nhiên, giá tăng có nguy cơ làm xáo trộn các “quân bài” sản xuất cacao toàn cầu theo hướng có lợi cho Brazil, Ecuador và Peru.

Sau khi bị châu Phi soán ngôi ở thế kỷ 20, Mỹ Latinh đang lấy lại vị thế. Khu vực này đã chứng kiến thị phần của mình trong sản xuất cacao toàn cầu tăng lên hàng năm, từ 13% hồi năm 2000 lên 21% trong vụ mùa 2022-2023. Chỉ trong hơn 20 năm, sản lượng trên toàn khu vực đã tăng 130%.

Công ty tư vấn Global Sovereign Advisory (GSA) giải thích: “Những khó khăn mà các ‘gã khổng lồ’ châu Phi gặp phải trong vụ mùa hiện tại sẽ càng làm củng cố và mở rộng thêm thị phần của Mỹ Latinh”. Do thu hoạch kém ở hai nước sản xuất chính, nơi các đồn điền phải chịu đựng điều kiện thời tiết xấu và sự lây lan của dịch bệnh, giá cacao có thể tăng lên hơn 10.000 USD/tấn.

Không giống như Bờ Biển Ngà và Ghana, nơi người trồng trọt bán cây trồng của họ theo giá tại cổng trang trại do chính quyền quy định, nông dân Nam Mỹ bán quả cacao theo giá thị trường giao tại chỗ, cho phép họ hưởng lợi ngay lập tức khi giá quốc tế tăng và tái đầu tư vào đồn điền của mình (phân bón, cắt tỉa, tăng cường khai thác, v.v.).

Thêm vào đó, người trồng trọt ở Mỹ Latinh cũng có thể trông cậy vào năng suất cao hơn nhiều so với ở châu Phi nhờ giống cacao CCN51, một giống lai mới được phát triển vào những năm 1960 bởi nhà nông học người Ecuador Homero Cas-tro Zurita. CCN51 được đưa vào trồng đại trà từ những năm 1980, cho năng suất cao hơn nhiều và có khả năng kháng bệnh tốt hơn.

Cây cacao truyền thống chỉ cho quả sau 3 năm đến 5 năm trồng và đạt năng suất tối đa từ 7 năm đến 8 năm tiếp theo. Do đó, người trồng có thể ngại dấn thân vào cuộc phiêu lưu quá dài này. Nhưng với CCN51, chỉ từ năm thứ hai, cây đã có thể cho những vụ mùa bội thu, giúp Ecuador và Peru tăng năng suất. Ecuador đã tăng diện tích loại cây trồng này lên 60%, và nước này thu hoạch một sản lượng gấp 5 lần so với thời kỳ trước. Ngày nay, 75% diện tích đồn điền ở Ecuador trồng CCN51. Giống cây này được hưởng lợi đáng kể nhờ viện trợ từ Mỹ, quốc gia đã quảng bá sản phẩm này như một sự thay thế cho coca. 

Cũng theo GSA, các quốc gia có tiềm năng mạnh mẽ chưa hoặc không còn được khai thác như Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda… cũng đang cố gắng gia nhập câu lạc bộ các nhà sản xuất lớn, trong đó Nigeria. “Gã khổng lồ đang ngủ yên” của ngành cacao châu Phi đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng trong 10 năm tới, lên 750.000 tấn mỗi năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục