"Giải cứu" thịt lợn: Nhiều tổ chức, đoàn thể cam kết tiêu thụ

17:15' - 28/04/2017
BNEWS Đại diện các tổ chức, đoàn thể đã cam kết tiêu thụ thịt lợn đang tồn cho người chăn nuôi, nhằm chia sẻ với người chăn nuôi trong lúc khó khăn này.

Chiều 28/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam… họp bàn để “giải cứu” thịt lợn đang dư thừa cho người chăn nuôi.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sản lượng chăn nuôi đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa.

Bộ trưởng Bộ NN PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đặc biệt là thịt lợn, với gần 3 triệu hộ tham gia chăn nuôi. Hiện tại, giá thịt lợn loại tốt (trung bình 100 -110 kg), đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt những tháng mùa hè sắp tới.

“Đây là mức giá thấp nhất từ trước tới nay ở Việt Nam và cũng là mức giá thấp nhất trên thế giới hiện nay” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi các Bộ, ngành, tổ chức… hỗ trợ giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn và người lao động trong các doanh nghiệp chia sẻ bằng cách sử dụng thịt lợn vào thời điểm này để góp phần tiêu thụ.

Tuy nhiên, ông Cường mong muốn giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng không phải qua nhiều khâu trung gian, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Đại diện Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng cam kết, thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị giúp tiêu thụ hàng ngàn tấn thịt lợn mỗi tháng, nhằm giúp đỡ người chăn nuôi. Và đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cung cấp đầu mối để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn cho hay, trong thời gian qua, Trung ương Đoàn đã “giải cứu” các loại hoa quả, tổ chức điểm bán rất dễ nhưng với thịt lợn thì chưa biết kế hoạch như thế nào.

“Chúng tôi cần thông tin về địa chỉ cung cấp từng tỉnh, thành phố để có thể chỉ đạo đội ngũ tình nguyện viên vận chuyển tới người tiêu dùng miễn phí” – ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do thừa cung. Thị trường nội địa không tăng, chất lượng thịt của Việt Nam chưa đảm bảo nên kể cả Trung Quốc là thị trường tương đối dễ tính cũng chưa chấp nhận nhập khẩu chính nghạch.

Thời gian qua, Bộ Công thương cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm “giải cứu” thịt lợn cho người chăn nuôi.

Cụ thể, mấy ngày gần đây, hệ thống siêu thị như Big C, Saigon Coop đã giảm từ 15-20% giá bán thịt lợn. Bên cạnh đó, Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng này.

Về lâu dài, ông Hải cho rằng, cần phải kiểm soát đàn nuôi. Đảm bảo tăng cường chất lượng, kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, là khâu mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Đại diện Dabaco cho hay, hiện Tập đoàn đã ngừng bán thịt lợn ra thị trường, đồng thời tăng cường thu mua thịt lợn của người chăn nuôi để cấp đông, chế biến.

Hiện đã có 5 doanh nghiệp công bố giảm giá 200 đồng/kg thức ăn chăn nuôi và cam kết hạn chế số đàn đưa vào sản xuất; đồng thời, ngừng không đưa thịt lợn đến tuổi xuất chuồng ra thị trường. Ước tính tổng số tiền giảm giá từ các doanh nghiệp này là khoảng 100 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng kêu gọi các cấp, ngành, tổ chức thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đó ưu tiên sử dụng thịt lợn trong mỗi bữa ăn của gia đình.

>>>AVR kêu gọi doanh nghiệp hội viên gỡ khó cho ngành chăn nuôi

>>>Giá thịt lợn Tp. Hồ Chí Minh giảm, sức mua có dấu hiệu tăng lên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục