Giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài liệu có hoàn thành?

13:05' - 07/12/2020
BNEWS Ngày 7/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ 11 tháng năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, nhiệm vụ của tháng 12 hết sức nặng nề khi vẫn hơn 50% kế hoạch vốn vay nước ngoài đã điều chỉnh của năm nay cần phải giải ngân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 11 tháng đã có bước cải thiện và đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các bộ, ngành (là 4.346 tỷ đồng). 

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, bên cạnh những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao thì vẫn còn một số bộ ngành có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Thậm chí, một số bộ ngành cam kết giải ngân 100% số vốn vay nước ngoài như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chậm.

Theo ông Vũ Thanh Liêm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vốn vay nước ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giải ngân trong năm 2020 sau khi xin điều chỉnh là 1.830 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 30/11, tất cả 18 dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân được 763 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,7%. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, dự kiến đến hết năm 2020 cũng chỉ giải ngân được khoảng từ 90 – 94% kế hoạch đã điều chỉnh.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải, ngoài việc thiếu vốn đối ứng, lũ lụt vào cuối tháng 10, tháng 11 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Một số dự án trong tháng 11 đến nay chưa triển khai mà chỉ hoàn thành hồ sơ thanh khối lượng đã hoàn thành.

Là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến ngày 24/11, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 4.648 tỷ đồng đạt 75% số vốn được giao. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ, để đạt được kết quả này, Bộ Giao thông Vận tải đã đẩy nhanh nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục và đặc biệt là nêu cao vai rò trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.

Ông Hoàng Hải cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất làm tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi còn thấp là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân. Bên cạnh đó là tác động của đại dịch COVID-19, thiên tai lũ lụt. Tuy nhiên, ngay cả ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt thì Bộ Tài chính thấy rằng tiến độ triển khai và gửi đơn rút vốn vẫn còn chậm. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục làm rõ vấn đề này và cụ thể hơn nữa trách nhiệm của từng khâu.  

Ngoài ra, dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh điều chỉnh dự án điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân. Việc chuẩn bị hồ sơ rút vốn của các chủ dự án còn chưa kỹ như hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, kế hoạch chi tiêu chưa phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, một số vấn đề từ phía nhà tài trợ cũng khiến việc chậm giải ngân như thời gian cấp ý kiến không phản đối đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài. Một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn là không rõ ràng.

Bộ Tài chính kiến nghị, cần thúc đẩy triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020, 2021. Để thực hiện được, các bộ, ngành chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.

Cùng đó, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.

Đối với các dự án không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao phải đề xuất cắt giảm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào. Đồng thời, trong thời gian tới cần làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư xác định số vốn đã được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020 cùng số vốn đã giải ngân thực tế, nếu thiếu vốn và còn được tiếp tục giải ngân trong các năm sau phải đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư 2021.

Với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh thời hạn giải ngân, phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký và các điều chỉnh khác của hiệp định vay theo quy định, tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công.

Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm nghị định sau khi được sửa đổi sẽ quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục