Giải pháp giúp hợp tác xã giảm áp lực trước dịch COVID-19

09:05' - 16/05/2020
BNEWS Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đặc biệt là những giải pháp trước mắt cho khu vực này khi không tránh khỏi những ảnh hưởng từ dịch COVID-19?

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhiều mô hình mới đã xuất hiện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo từng bước khẳng định vị trí của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy vậy, theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị mới đây về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa IX, chỉ rõ việc phát triển giữa các vùng miền tại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa đồng đều.
Không những thế, việc liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo khiến đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều hạn chế và chưa thể xây dựng được mô hình sản xuất lớn như mong muốn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đặc biệt là những giải pháp trước mắt cho khu vực này khi không tránh khỏi những ảnh hưởng từ dịch COVID-19?
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam để tìm hiểu về vấn đề này.
Phóng viên: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang đóng góp cụ thể như thế nào với nền kinh tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố, đến hết năm 2019, cả nước thành lập mới 2.640 hợp tác xã); 9.500 tổ hợp tác; 16 liên hiệp hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 24.618, 110.000 tổ hợp tác và 85 liên hiệp hợp tác xã.

Số thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác tăng so với năm 2018, tổng số thành viên hợp tác xã đạt trên 7 triệu người, thành viên tổ hợp tác đạt 3.4 triệu, tăng lần lượt là 8% và 30%.
Tổng số vốn điều lệ của hợp tác xã đạt 37.000 tỷ đồng, tổng tài sản 189.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động thường xuyên 44.5 triệu đồng/người/năm cho thấy quy mô và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục được cải thiện, từng bước làm tốt hơn vai trò phục vụ thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ, đóng góp tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Ba tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới 296 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 24.848 hợp tác xã, 91 liên hiệp hợp tác xã, 112.000 tổ hợp tác, 1.741 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Phóng viên: Mặc dù vậy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn những hạn chế, bất cập, xin ông có thể cho biết nguyên nhân ở đây là gì?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.
Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm.
Việc thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều vướng mắc. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ.
Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hợp tác xã nhiều nhưng dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật chưa thường xuyên.

Phóng viên: Trong “cơn bão” dịch COVID-19, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải đối diện với tác động gì và Liên minh hợp tác xã có giải pháp nào để giảm áp lực cho khu vực này, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thị trường xuất khẩu của một số sản phẩm mà các hợp tác xã đang cung cấp như: trái cây, nguyên liệu dược liệu, hoa, nguyên liệu và đồ gỗ xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là các nước Châu Âu, Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, lợn, rau xanh phát triển do nhu cầu thị trường trong nước ổn định.
Phần lớn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trong các ngành khác giảm sản lượng, doanh thu, ảnh hưởng đến thu nhập của thành viên, người lao động.
Hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn khi nhập giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giá bán nông sản, thực phẩm (rau, củ, quả, xoài, thanh long,…) giảm 45% so với tháng 12/2019. Hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị đình trệ, giảm 40% kim ngạch xuất khẩu.

Hợp tác xã vận tải, du lịch, ăn uống giảm doanh thu từ 80 - 90% do không có khách du lịch, nhu cầu đi lại giảm trong khi hợp tác xã vẫn phải trả các chi phí mặt bằng, bến bãi, hỗ trợ thu nhập cho người lao động; hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, may mặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, lao động và khó khăn về tiêu thụ.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã ban hành hai văn bản; trong đó, yêu cầu Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, đơn vị trực thuộc, các đơn vị thành viên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, chủ động nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, thiệt hại sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh như: Tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vay vốn các tổ chức tín dụng, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Hợp tác xã; nâng cao năng lực quản trị.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu và tiêu thụ hàng nông sản; huy động các nguồn lực triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị tại 63 tỉnh, thành phố; chủ động tìm kiếm, phối hợp với các doanh nghiệp chế biến nông sản, xúc tiến đầu tư chuỗi sản phẩm nông sản – thành phần chủ lực vùng, quốc gia ở một số tỉnh (thanh long, thịt lợn...).

Chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ Phát triển hợp tác xã thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với hợp tác xã; hướng dẫn hợp tác xã tiếp cận Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã…
Phóng viên: Thưa ông, theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã thì hiện chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã được tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Vậy theo ông, cần có chính sách cụ thể nào để tháo gỡ vướng mắc về việc này?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn cho các hợp tác xã cần nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, như: Sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của mô hình hợp tác xã kiểu mới, bởi đây chính là một tổ chức kinh tế, đồng thời cũng là tổ chức xã hội, tập trung phần lớn những người nông dân, những người yếu thế, chủ yếu ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Phát triển và nâng cao hiệu quả của các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Liên minh Trung ương và Liên minh hợp tác xã các tỉnh thành phố để có nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp và thuận tiện cho các hợp tác xã.
Đặc biệt Chính phủ sớm Ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác; xem xét bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tăng vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đến năm 2025 đạt 2.000 tỷ đồng; cho phép Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được sử dụng tối thiểu 50% chênh lệch thu - chi tài chính hàng năm của Quỹ trung ương để triển khai các các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Các cơ sở tín dụng, ngân hàng cần phải đơn giản hóa thủ tục và điều kiện vay vốn, cần xem xét các điều kiện khác có thể bảo đảm thế chấp để vay vốn ngân hàng hoặc cho phép bảo lãnh tín dụng…
Bên cạnh đó, để tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng các chính sách, bản thân các hợp tác xã phải thay đổi chính mình; phải tự cơ cấu lại hoạt động, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, kinh doanh; lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục