Giải pháp mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam

14:18' - 21/08/2018
BNEWS Ngày 21/8, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn chuyên đề Thị trường vốn-tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam- Giải pháp và thách thức".
Giải pháp mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, đánh giá thực trạng thị trường vốn hiện nay, cần xem xét sự mất cân đối cơ cấu giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn, giữa tỷ trọng tín dụng với các dịch vụ gia tăng khác trong hoạt động tín dụng ngân hàng, giữa thị trường ngắn hạn và dài hạn…, đặc biệt là thị trường trái phiếu.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ coi việc phát triển doanh nghiệp, củng cố môi trường đầu tư, phát triển kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động. Để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, Chính phủ đã có nhiều giải pháp; trong đó có việc yêu cầu cắt giảm khoảng 50% điều kiện kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thể chế để phát triển các thị trường.

Với thị trường tài chính, Phó Thủ tướng lưu ý những vấn đề cần quan tâm như đánh giá các chủ thể tham gia thị trường, sức khoẻ của các chủ thể này, nhất là theo thành phần trong nước và ngoài nước… Về sức khoẻ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu con số 53% doanh nghiệp hoạt động không có lợi nhuận (tính đến cuối năm 2016) và cho rằng, có nguyên nhân do tình trạng vốn doanh nghiệp mỏng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là bằng vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính rất cao, cộng với các chi phí tiếp cận thị trường, logistic… cao khiến các doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt.

“Chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Một trong những điều kiện quan trọng để giải quyết vấn đề này là áp dụng các công cụ, gỡ được áp lực về mặt tỷ giá, lãi suất biến động", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, thị trường chứng khoán phải phát triển cả ở thị trường cơ sở. Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện...

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quá trình tái cấu trúc thị trường vốn tài chính cần gắn chặt với quá trình chuyển mình của nền kinh tế. Chính phủ cần tạo điều kiện cho thị trường phát triển rồi mới đặt vấn đề quản lý nó.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đánh giá các vấn đề tồn tại của thị trường vốn, tài chính nội địa và giải pháp tái cơ cấu thị trường này; đồng thời thảo luận, bàn và tìm kiếm các giải pháp tạo dựng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá, vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Với nguồn vốn hiện tại, tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70% GDP nhưng đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước. Áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Đối với trái phiếu Chính phủ, các tổ chức tín dụng vẫn nắm hơn 80% lượng trái phiếu.

“Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước chú trọng khắc phục 2 điểm này. Trong đó, Ngân hàng chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là ở thị trường bất động sản, chứng khoán. Chính sách lãi suất cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn dài hạn”, Phó thống đốc nói.

Ông Don Lam, Phó trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho rằng, một trong các vấn đề thị trường vốn cần lưu tâm là huy động vốn nội địa, sử dụng hiệu quả cho những dự án đầu tư. Để làm được điều này cần nỗ lực của các doanh nghiệp và Nhà nước

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà Nhà nước, cho biết: chiến lược của thị trường vốn tài chính Việt Nam là hướng đến sự cân bằng giữa thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. "Hiện Việt Nam có thị trường trái phiếu Chính phủ rất phát triển và tiến tới đẩy mạnh hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Theo các diễn giả, cần có các giải pháp nhằm giải quyết các hạn chế của thị trường vốn - tài chính nội địa như sự thiếu hụt dòng vốn trung - dài hạn khiến các hoạt động sản xuất không có nguồn lực phát triển. Hiện nay, việc phân bổ vốn giữa các ngành kinh tế còn bất hợp lý, chưa có hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Khung pháp lý còn yếu khiến cơ cấu thị trường chưa được định hình rõ ràng dẫn tới tình trạng bất ổn, những cơ hội xen lẫn thách thức và tác động khó lường của quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số...

Ông Ketut Kusuma - Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn, Ngân hàng Thế giới chia sẻ, cơ cấu thị trường vốn dài hạn tại Việt Nam thời gian vừa qua có nhiều tín hiệu khởi sắc, đang bắt kịp các nước khác trong khu vực. Cơ cấu tài sản tài chính chia thành nhiều nhóm khác nhau, đồng thời nhìn vào kết quả kinh tế vĩ mô, ông Ketut Kusuma thấy nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát tốt, cũng như dòng tăng trưởng tiền tệ.

Về giải pháp mở rộng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ông Ketut Kusuma cho rằng cần tăng cường tính minh bạch của dữ liệu, thông tin, hiện đại hóa khung pháp lý và cơ sở hạ tầng thị trường, nâng cao năng lực giám sát. Với thị trường chứng khoán, cần lồng ghép chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào phát triển thị trường, hướng tới tham gia vào các chỉ số của thị trường mới nổi nhằm minh bạch hóa hơn thông tin về phân khúc và hợp nhất thị trường. Với thị trường trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục công cuộc cải cách, hướng tới tham gia vào các chỉ số của thị trường mới nổi toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục