Giải pháp nào cải thiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại?

12:55' - 31/03/2023
BNEWS Đây là Hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022 nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023,

Ngày 31/3, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023. Đây là Hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022 nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bước vào 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt.

Sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ và Thụy Sỹ đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu thời gian gần đây, trong nước có một số ngân hàng hoạt động rất khó khăn, được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố nên gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Dù vậy từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32%. Tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ. Tổng mức tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).

Trước những vấn đề đặt ra, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm Chính phủ thống nhất 3 nhiệm vụ cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể, một mặt đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; Chính phủ biểu dương ngành công thương và lực lượng Thương vụ về những đóng góp trong duy trì thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới.

Theo đó, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển để cùng với thị trường nước ngoài giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất thông qua nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, hỗ trợ thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp.

Để góp sức thực hiện nhiệm vụ trên, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022. 

Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu Thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp.

Mặt khác, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước. 

Báo cáo về thị trường Hoa Kỳ - Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và khu vực thị trường Hoa Kỳ nói riêng gặp nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Tuy nhiên, nhìn chung, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng  mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; ngoài ra, xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó thích hợp với các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, tính đến tháng 1/2023 Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ (sau các quốc gia như Mexico, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 01 đạt khoảng 9,9 tỷ USD giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. 

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 9,23 tỷ USD; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 733,8 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, thâm hụt thương mại ở mức 9,1 tỷ USD, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mexico. 

Xét về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chiếm 3,7% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ các đối tác, vẫn giữ nguyên vị trí so với cùng kỳ 2022.

Với mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong thời gian qua, Thương vụ tại Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ như Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, các luật sư, nhà nhập khẩu… 

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng báo cáo, tham mưu lãnh đạo Đại sứ quan gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư (Dự án của Tín Thành Group tại Bang South Carolina, King Coffee), các nhà xuất khẩu vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, các đoàn công tác của địa phương và doanh nghiệp sang tìm hiệu thị trường (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc do Bí thư Hoàng Thị Thuý Lan làm trưởng đoàn). 

Đặc biệt,Thương vụ cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo về Nhà những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Hoa Kỳ.

Ông Dương Hoàng Minh- Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Liên minh kinh tế Á-Âu chia sẻ, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường. 

Dự báo, trong thời gian tới Hoa Kỳ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với nền kinh tế Nga. Do đó, Thương vụ khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp. 

Theo ông Dương Hoàng Minh, trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương các doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu/kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ), nhất là các đối tác tìm được trên môi trường internet, để tránh gặp mại các trường hợp lừa đảo. Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. 

Đáng lưu ý, thời gian gần đây các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp Nga rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty Nga sang Việt Nam tham dự các hội chợ, triển lãm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư ngày càng tăng. 

Vì vậy, Thương vụ kiến nghị Cục Xúc tiến thương mại, các địa phương, hiệp hội quan tâm hỗ trợ các đối tác Nga tham dự các sự kiện về thương mại tại Việt Nam.

Cùng đó, đề nghị khuyến khích/hỗ trợ các địa phương/hiệp hội/doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 10-15 doanh nghiệp) tham dự các triển lãm chuyên ngành cụ thể như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Liên bang Nga trong năm 2023/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục