Giải pháp nào để kiểm soát hóa chất và chất thải trong dệt nhuộm?

21:04' - 18/07/2019
BNEWS Các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và không thải hóa chất độc hại ra môi trường trong ngành dệt nhuộm đã được đưa ra tại Hội thảo ngày 18/7.
Hội thảo Các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và không thải hóa chất độc hại ra môi trường trong ngành dệt nhuộm. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng các yêu cầu để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp ngành dệt may cần tuân thủ các giải pháp quản lý hóa chất và chất thải.

Đây là mục tiêu của hội thảo "Các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và không thải hóa chất độc hại ra môi trường trong ngành dệt nhuộm" do Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/7.
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, ước tính có khoảng 7.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp gia công hàng may mặc, chiếm tỷ lệ 85%, còn lại là doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm, chế biến bông, sản xuất xơ, sợi.

Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm và thường có phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất.

Khi có sự cố hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất thì doanh nghiệp mới quan tâm đến công tác này.

Ngành dệt may được đánh giá là ngành gây ô nhiễm môi trường đứng thứ 2 trong các ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước thì khí thải của ngành dệt nhuộm thải ra môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân và người dân trong khu vực.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may trong nước hiện phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vì doanh nghiệp thường chỉ tập trung đầu tư công đoạn cuối cho thành phẩm.

Hiện cả nước phải nhập khẩu lên đến 18,5-19 tỷ USD nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, nhất là các nguyên liệu sản xuất như bông, vải các loại.

Trong khi đó, để được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện những yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ sản phẩm, nhất là quy định về ưu đãi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi. Cụ thể trong Hiệp định EVFTA, vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU...

Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng thực hiện những giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn với người sử dụng, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất, phát triển theo hướng bền vững, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may, đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, các quá trình vận chuyển, cất giữ hóa chất.
Trong khi đó, doanh nghiệp dệt may cần phát triển các sản phẩm an toàn thông qua việc sử dụng các dung môi và điều kiện phản ứng phù hợp; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, tránh làm phát sinh phụ phẩm, phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng.
Ông Sibbe Krol, đại diện Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH, Hà Lan chia sẻ: Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện Tăng trưởng xanh toàn cầu, hướng đến mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Ông Sibbe Krol, đại diện Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH, Hà Lan chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN  

Để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp ngành dệt may cần chú trọng đến việc sử dụng hóa chất trong khâu dệt nhuộm, hướng đến những loại hóa chất, dung môi, chất xúc tác an toàn.
Một trong những giải pháp thực hiện Tăng trưởng xanh toàn cầu là chương trình Vươn tới đỉnh cao, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành dệt may thông qua hình thức phối hợp hoạt động tự nguyện nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại có trách nhiệm, hướng tới phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam.

Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam, Hiệp hội bông sợi Việt Nam, các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước là các đơn vị tham gia thực hiện Thỏa thuận hợp tác công – tư của chương trình.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Môi trường thực hiện đánh giá về rủi ro ô nhiễm do phát thải hóa chất vào môi trường, từ đó xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật Quản lý hóa chất hướng tới giảm giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam.

Hướng dẫn kỹ thuật này đưa ra các biện pháp quản lý an toàn hóa chất và kiểm soát ô nhiễm nhằm hạn chế phát thải hóa chất độc hại vào môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Việt Nam và một số chính sách của quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do, đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp cận các giải pháp, công nghệ để đầu tư theo hướng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn với người sử dụng; hướng dẫn kỹ thuật Quản lý hóa chất hướng tới giảm giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt danh mục hóa chất cụ thể cần quản lý, các rủi ro trong quản lý môi trường của doanh nghiệp dệt may./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục