Giải pháp nào giúp doanh nghiệp bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất?

12:49' - 07/11/2018
BNEWS Do đặc thù làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại như khói bụi, tiếng ồn nên các doanh nghiệp thuộc TKV đã thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho công nhân
Sản xuất đồng tấm catot tại Chi nhánh luyện đồng Lào Cai. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Do đặc thù làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại như khói bụi, tiếng ồn nên các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm an toàn cho công nhân.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành than khoáng sản (15/11/1968 - 15/11/2018), Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, hiện các đơn vị trong ngành đã áp dụng thành công nhiều công nghệ hiện đại trong khai thác hầm lò. Trong khai thác lộ thiên, TKV đang tiếp tục đầu tư thiết bị xúc bốc, vận tải có công suất lớn trong khai thác để giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, đầu tư để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, hạn chế tác động đến môi trường sinh thái.

* Gắn sản xuất và bảo vệ môi trường

Vượt qua con đường gập ghềnh đầy bụi đỏ, chúng tôi đến với khai trường của Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai thuộc Tổng Công ty khoáng sản – TKV (Vimico) đóng tại địa bàn hai xã Bản Vược và Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cao. Chỉ tay về phía ngọn đồi cao đã được phủ xanh bởi cây keo lai, ông Đinh Tiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai – Vimico thuộc Tổng công ty khoáng sản – TKV cho biết, đây là một trong hai bãi thải đã được được công ty dừng để đảm bảo việc hoàn nguyên môi trường. Hai bãi thải này có diện tích trên 100 ha đã được phủ xanh bởi cây keo lai. Mặc dù môi trường khai thác không phức tạp như ở các nhà máy luyện sắt hay đồng bởi ở đây đặc thù là tiếng ồn và khói bụi nhưng không vì thế mà việc này không được công ty chú trọng.

Theo đó, công ty đã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm vừa bảo vệ môi trường, vừa khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc triển khai và đưa vào vận hành các dự án về môi trường như: trồng cây xanh hoàn nguyên bãi thải, xử lý chống thấm các đập hồ thải đã đảm bảo năng lực chứa an toàn cho hồ chứa quặng đuôi, tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Sản phẩm tinh quặng đồng tại Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Mỗi năm, đơn vị đã dành chi phí hàng tỷ đồng để bảo vệ môi trường như: phủ xanh những bãi thải, tưới nước dập bụi công trường. Bên cạnh đó, là nâng cao chất lượng huấn luyện an toàn. Người lao động được bồi dưỡng kiến thức và nâng cao ý thức sau mỗi kỳ huấn luyện. Nhờ thực hiện tốt huấn luyện 3 bước: an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nhận diện được các nguy cơ mất an toàn đối với từng chủng loại thiết bị, từng vị trí làm việc nên trong nhiều năm qua, công ty không để xảy ra tai nạn lao động nặng, các sự cố về thiết bị, về cháy nổ và sự cố về môi trường.

Hiện nay, nguồn nước tại các nhà máy tuyển cũng đã được đơn vị thu về hồ và thực hiện các giải pháp kỹ thuật để dùng tuần hoàn lại. Theo ông Đinh Tiến, gần như có đến 70-80% nước thải được chi nhanh xử lý tuần hoàn lại nên không xảy ra tình trạng thiếu nước khi sản xuất và không có vấn đề về môi trường đối với nước thải của công ty.

Tại khuôn viên nhà máy luyện đồng Lào Cai ở thị trấn Bảo Thắng, từng rặng cây xanh mướt được trồng xung quanh nhà máy không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn giảm tác động gây ô nhiễm môi trường.

Thành phẩm đồng catốt tại Chi nhánh luyện đồng Lào Cai. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Ông Đoàn Vũ Long, Phó Giám đốc Chi nhánh luyện đồng Lào Cai cho hay, đối với nhà máy luyện đồng Lào Cai do tính chất môi trường đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ môi trường khí, nước và chất thải rắn nên nhà máy đã thực hiện các giải pháp về thu hồi khí và thay đổi chất xúc tác thu hồi chất lưu huỳnh đảm bảo môi trường khí trong sạch.

Theo đó, nhà máy đã triển khai hệ thống quan trắc khí tự động được Ban quản lý Khu công nghiệp đánh gía cao. Đồng thời, thay đổi chất xúc tác chuyển hóa của Đan Mạch góp phần cải thiện làm trong sạch môi trường khí. Về nước thải cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm axit và kim loại nặng. Nhà máy có hệ thống xử lý nước thải quy mô đảm bảo thu gom xử lý theo quy trình. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất, nhà máy đã thực hiện đề tài làm thạch cao nhân tạo. Sản phẩm này được tạo ra từ việc tận thu từ bã độc hại để sản xuất thạch cao. Từ năm 2016 đến nay, quy trình này đã giúp nhà máy thu thêm mỗi năm khoảng 5,6 tỷ đồng và giảm chi phí chôn lấp chất thải.

* Ứng dụng khoa học tiết giảm chi phí sản xuất

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành than khoáng sản (15/11/1968 - 15/11/2018), với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, sự tiên phong của khoa học kỹ thuật, cộng với trình độ chuyên môn cao chính là chìa khóa giúp công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh ngày càng khó khăn.

Ông Đoàn Vũ Long, Phó Giám đốc Chi nhánh luyện đồng Lào Cai bày tỏ, đơn vị đã thực hiện thay thế, đổi mới kết cấu linh kiện thiết bị đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm để hạn chế sản phẩm lỗi. Cùng đó, trong công tác quản lý công ty triển khai mô hình quản trị tinh gọn “made in Việt Nam”. Phương pháp này sử dụng các công cụ quản lý trực quan hoặc quản lý chất lượng thiết bị tổng thể được việt hóa từ nội hàm tư duy tinh gọn, cắt giảm chi phí tinh gọn. Kết quả triển khai khá khả quan với mục tiêu từ năm nay công ty cố gắng tiết kiệm 2-5% chi phí hằng năm.

Sản phẩm đồng tấm catot đưa vào xử lý ở Phân xưởng điện phân tinh luyện. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, đơn vị thay đổi thiết bị gắp tấm dương cực công đoạn lọc sạn tiết kiệm được chi phí phải bảo dưỡng thiết bị để thiết bị hoạt động ổn định hơn. Từ giải pháp này, hàng năm doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng từ 700-800 triệu đồng. Ngoài ra, thu hồi sản phẩm kim loại quý trong nguyên liệu bán thành phẩm đạt từ 2-3 tỷ đồng.

Ông Đoàn Vũ Long chia sẻ, từ tinh quặng đồng trải qua 3 khâu chính. Đó là tinh quặng đồng qua khâu hỏa luyện. Trong khâu này có khâu nấu chảy, sau sang khâu lò chuyển. Tiếp đến chuyển sang lò phản xạ rồi đến điện phân tinh luyện cho ra sản phẩm chính là đồng tấm catot có từ 90-95% là đồng và bùn. Bùn trong quá trình điện phân đó có kim loại quý như vàng, bạc và nhà máy phải xử lý bùn để thu hồi vàng bạc.

Năm 2017, công ty đã thu hồi được 560 kg vàng và gần 500 kg bạc. Năm 2018 này nhà máy cũng đặt mục tiêu tương tự như vậy là thu hồi 567 kg vàng và gần 500 kg bạc. Riêng từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã sản xuất được hơn 9.540 tấn đồng catot, đạt 82,25% kế hoạch năm. Thu hồi trên 465 kg vàng thỏi, đạt 82,35%; 470 kg bạc thỏi, đạt 86,46% kế hoạch.

Thực hiện công đoạn sản xuất tại lò phản xạ thuộc Chi nhánh luyện đồng Lào Cai. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Anh Trịnh Văn Mạnh, Tổ trưởng kỹ thuật thuộc Phân xưởng điện phân bày tỏ, trong thời gian qua, anh cùng với anh em công nhân trong phân xưởng đã có sáng kiến về cải tiến về máy lật tấm cực. Trước đây khi chưa có sáng kiến này, số lượng công nhân làm việc ở vị trí này cần có 4 công nhân. Từ khi có sáng kiến này, số lượng công nhân chỉ cần hai người. Hay như phân xưởng cũng đã có sáng kiến lắp đặt hệ thống quạt thông khí giúp đảm bảo điều kiện làm việc và môi trường trong phân xưởng được thông thoáng hơn.

Tại Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai – Vimico, ông Đinh Tiến, Phó Giám đốc chi nhánh cho biết, việc đầu tư bổ sung các loại máy xúc với dung tích gầu 3,4 – 5,2 m3, ôtô tải trọng 58 tấn, máy nén khí, xây dựng mới nhà xưởng, trung tu thiết bị, xe tưới nước dập bụi, và nhiều thiết bị khác… đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công ty đẩy mạnh giao khoán và tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời có những biện pháp điều hành sản xuất linh hoạt. Đối với việc khoan, nổ mìn, công ty đã tăng cường sử dụng lỗ khoan Dk 250 mm thay thế lỗ khoan Dk 105 mm hiệu quả thấp, chi phí dịch vụ nổ mìn cao. Khâu xúc bốc, vận tải tăng cường huy động máy xúc EKG điện, hạn chế sử dụng máy xúc diezel và xe Belaz cũ do kém hiệu quả, chi phí sửa chữa và tiêu hao nhiên liệu lớn.

Ở khâu tuyển khoáng đã được công ty triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, luôn chỉnh định kịp thời các chỉ tiêu công nghệ nhằm tăng tối đa tỷ lệ thu hồi sản phẩm, đảm bảo tỷ lệ đuôi thải cho phép, luôn duy trì chất lượng sản phẩm tinh quặng đồng, tinh quặng sắt phục vụ khâu luyện kim. Nhờ những giải pháp này, giá trị sản xuất công nghiệp của công ty luôn đạt mức cao.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng bóc đất đá của mỏ đã đạt trên 8,9 triệu m3, đạt trên 81% kế hoạch năm; khai thác được gần 1,2 triệu tấn quặng đồng, sản xuất 39.341 tấn tinh quặng đồng, tinh quặng sắt đạt trên 64.000 tấn. Hiện nay, dự án nhà máy tuyển số 2 với công nghệ hiện đại dự kiến sẽ khánh thành vào cuối tháng 11 này góp phần nâng công suất sản xuất tinh quặng đồng của chi nhánh lên gấp đôi. Đồng thời, nhà máy này sẽ xử lý và tận thu những quặng nghèo hơn với tỷ lệ từ 0,6% đồng trong quặng nguyên khai.

Để khuyến khích những sáng tạo từ công nhân, hàng năm Vimico thực hiện khen thưởng cho công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ được Tổng công ty mua bảo hiểm nhân thọ trong vòng 5 năm với số tiền 18 triệu đồng/năm. Đây cũng là một trong những giải pháp giữ chân người lao động của Vimico hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục