Giải pháp nào tăng vai trò của địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA?

16:13' - 02/12/2022
BNEWS Dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt các FTA mới đi vào thực thi vẫn còn rất lớn và đòi hỏi cần giải pháp mạnh hơn từ chính quyền các cấp cũng như đột phá trong tư duy hành động.

Việc thực thi và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực với kinh tế Việt Nam. Điều này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khan do đại dịch COVID-19 cũng như bất ổn về kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên, dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt các FTA mới đi vào thực thi gần đây vẫn còn rất lớn và đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn từ chính quyền các cấp cũng như những đột phá trong tư duy hành động.

Vấn đề này đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại Tọa đàm Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội. 

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới và việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA này của các địa phương ngày càng tích cực hơn.

Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khoảng độ hơn 8 tháng kể từ khi FTA này có hiệu lực mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh thành. 

Thế nhưng, đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) chỉ có khoảng 4 tháng thôi và đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) chỉ khoảng độ chưa đến hai tháng đãcó đầy đủ kế hoạch thực hiện từ các tỉnh thành. 

Cùng đó, kết quả thực hiện cũng ghi nhận ngày càng tích cực hơn. Chẳng hạn trước đây các báo cáo đầu tiên Bộ Công Thương nhận được năm 2020, tức là một năm sau khi CPTPP có hiệu lực, nhiều báo cáo còn tương đối sơ sài, chung chung. 

Tuy nhiên, khi sang đến EVFTA điều này đã được cải thiện qua việc các số liệu hay các thông tin mà tỉnh, thành cung cấp đầy đủ hơn. Đáng lưu ý, nhiều tỉnh thành cũng đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng hay từng lĩnh vực đã hỗ trợ như thế nào với doanh nghiệp. 

Hơn nữa, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai con số cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh có những mặt hàng chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu và ghi nhận kim ngạch tăng trưởng. 

Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, dư địa vẫn còn rất lớn như chỉ có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Cùng đó, nếu gọi ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước mà Việt Nam có FTA trước khi ký CPTPP như Canada, Mexico hay Peru thì con số lại còn thấp hơn. 

Như vậy, rõ ràng vẫn còn dư địa để thúc đẩy xuất khẩu bởi một số tỉnh có quan hệ truyền thống với các nước khu vực Đông Á và khi mở rộng sang sang các nước FTA mới sẽ có thêm những khó khăn.

Mặc dù các tỉnh đều có biện pháp hỗ trợ từ việc đào tạo đến chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại hay chính sách. Thế nhưng, các biện pháp này chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghềcần tận dụng FTA, mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hay là tăng trưởng tỷ lệ tận dụng.

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra 2 ý kiến về vấn đề này. Đó là còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp đối với cái khả năng đáp ứng từ các cơ quan nhà nước, địa phương. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về những lợi ích các FTA mang lại với doanh nghiệp cần chuyên sâu, cụ thể hơn.

Từ kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai hỗ trợ hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. 

Do đó, ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Mặt khác, cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa, cần tạo được một cơ chế kết nối phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội sẽ đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp được một cách tốt hơn.

Chia sẻ tại toạ đàm, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, doanh nghiệp giao dịch xuất khẩu với các nước trong các hiệp định còn hạn chế.

Ngay sau khi các Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng, triển khai thực thi các FTA. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước được ký kết trong Hiệp định cũng còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng, nhất là doanh nghiệp có lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định.

Các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thay đổi theo những cái mới, và đặc biệt thị trường mới thành viên của các hiệp định còn khiêm tốn như doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada, Mexico, Peru.

Ví dụ hàng may mặc cũng là một mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước, doanh nghiệp hiện nay cũng vẫn chưa chủ động được các nguồn nhiên liệu, thế nên nhiều khi có những đơn hàng cũng bị đứt gãy các chuỗi cung cấp.

Trong năm 2022, Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết trong hiệp định và 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA. Đây cũng là một kết quả rất cố gắng của Hà Nội trong thời gian qua.

Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, để chủ động thúc đẩy hội nhập sâu rộng và triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định CPTPP và các Hiệp định FTA khác.

Trong các năm qua, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ tại các nước cũng như các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản mà hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành nhiều hình thức khác nhau.

Qua đó, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA. Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn, thách thức như về mặt khách quan.

Chẳng hạn như diễn biến bất lợi của quốc tế như là cuộc xung đột của Nga - Ukraine còn kéo dài, diễn biến về chi phí năng lượng, nhiên liệu tăng, tình hình lạm phát ở các nước cũng như các chi phí logistics tăng, biến đổi khí hậu, các quy định cao về chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về môi trường, lao động, thẻ vàng tại các nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn rất nhiều như hạn chế về khả năng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế về năng lực, về xúc tiến thị trường và tiếp cận các khách hàng còn chưa cao.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội từ các FTA, ông Đinh Trọng Cường cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thêm sự hỗ trợ trong việc hướng dẫn thực thi và khảo sát, nắm bắt nhu cầu và thông tin kịp thời về các thị trường, xúc tiến xuất khẩu tại các nước.

Mặt khác, hỗ trợ xây dựng và triển khai các đề án như đề án thành lập trung tâm phân phối hàng hóa, kết nối hệ thống cảng biển hiện có trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu với sân bay Long Thành; đề án thành lập khu mậu dịch tự do để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ông Ngô Chung Khanh khẳng định, tới đây Bộ Công Thương sẽ phối hợp triển khai về bộ chỉ số đánh giá FTA Index từ đầu năm 2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành lập một tổ công tác liên ngành và phối hợp với các tỉnh thành. 

Do đó, Bộ Công Thương cũng đã có gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành cung cấp các đầu mối để cùng với nhau nghiên cứu phương pháp điều tra, phương pháp tính, phương pháp xây dựng chỉ số cho chính xác và công bằng. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chuẩn bị các dữ liệu và hy vọng đầu năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index.

Hơn nữa, Bộ sẽ tiến hành các hoạt động phổ biến, tuyên truyền cho các tỉnh thành, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan để biết rằng có một chỉ số đang chuẩn bị được hình thành. 

Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để có được một kết quả tốt nhất trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng thực thi FTA của các tỉnh, thành nói riêng và của Việt Nam nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục