Giải pháp thông chuỗi cung ứng hàng hóa

21:16' - 04/08/2021
BNEWS Các địa phương linh hoạt giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực giãn cách, thậm chí cung ứng đến từng hộ dân.

Để đảm bảo người dân không thiếu lương thực trong thời gian giãn cách xã hội do tình hình dịch COVID-19, các ngành và các địa phương trong cả nước đang khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực giãn cách, thậm chí cung ứng đến từng hộ dân.

Tại Cà Mau, ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã phối hợp các doanh nghiệp chuẩn bị 3 nhóm sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh có số lượng lớn gồm thủy hải sản, gạo và các sản phẩm hàng hóa khác để liên kết cung ứng đến các tỉnh, thành phố và xuất khẩu trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo danh mục sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh có khả năng cung ứng, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố và phục vụ xuất khẩu, có đến hơn 70 sản phẩm khác nhau của gần 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, sản phẩm có khả năng cung ứng, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố gồm: tôm đông lạnh, tôm sú, cua, ghẹ, mực, cá biển...; tôm khô, khô mực, khô cá khoai, khô cá phi; chả cá rô phi, chả tôm, chà bông tôm; gạo sạch ST24, gạo sạch ST25, gạo sạch Toàn Tâm, lúa.... Các sản phẩm khác gồm có chuối sấy, rau quả các loại, bánh phồng tôm, nước mắm...

Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khác trong khu vực vẫn còn mất khá nhiều thời gian. Doanh nghiệp phải tập kết hàng hóa ở nhiều địa điểm, đầu mối khác nhau do tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của từng tỉnh, thành phố. Điều này gây ảnh hưởng việc bảo quản, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh.

Ông Dương Vũ Nam cho biết thêm, hiện, Sở Công Thương kết nối chặt chẽ với Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương để cập nhật, tổng hợp hàng ngày các số liệu, thông tin liên quan đến việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh; chủ động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Cà Mau với các tỉnh, thành phố mà chủ yếu là 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Còn tại Đà Nẵng, từ 16 giờ chiều 3/8, UBND quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) đã thiết lập cách ly y tế đối với 5/7 phường trên địa bàn để khẩn cấp ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Trước những lo lắng của người dân về việc hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng đến đời sống, chính quyền quận Sơn Trà khẳng định sẽ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

Trao đổi với phóng viên sáng 4/8, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Thành Nam cho hay, hiện trên địa bàn quận vẫn đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân, UBND quận chưa nhận được báo cáo của phường nào về việc thiếu thốn các mặt hàng này.

Trước đó, ngày 3/8, UBND quận đã có văn bản yêu cầu các UBND phường tiếp tục rà soát, thông tin kịp thời tới các cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm để chuẩn bị hàng hóa thiết yếu để cung cấp cho người dân. Đồng thời, các phường chủ động bố trí lực lượng tiếp nhận hàng hóa tại các điểm chốt cách ly để phối hợp giao nhận hàng nhanh chóng, chính xác. Các lực lượng trực chốt tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các xe cung ứng hàng thiết yếu được thông thương, giao hàng tới các khu cách ly y tế.

Hiện, các phường đã triển khai về các Tổ dân phố để thành lập các Tổ hỗ trợ mua nhu yếu phẩm và thông báo để bà con nhân dân được biết. Hàng ngày, các thành viên của Tổ hỗ trợ này sẽ nhận phiếu mua hàng của các hộ dân, lên danh sách các mặt hàng thiết yếu cần mua để đặt hàng với đơn vị cung ứng, sau đó phát cho từng hộ gia đình.

Ở một diễn biến khác liên quan đến hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại trên địa bàn có 511 doanh nghiệp tạm dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, không đủ nguyên liệu sản xuất hay xuất hiện F0 quá nhiều trong công ty.

Theo đó, tính đến ngày 3/8, tỉnh Bình Dương có 204 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với số lao động 61.000 người đang xin tạm ngưng thực hiện các phương án vì có F0 trong công ty và không có nguồn nguyên liệu, đơn hàng không ổn định, người lao động không chịu ở lại làm việc.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có 12 doanh nghiệp chưa triển khai do bị phong tỏa sau khi đăng ký; 15 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thông báo dừng hoạt động với nguyên nhân không còn nguyên liệu sản xuất, không còn đơn hàng hoặc xuất hiện F0; 292 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng số lao động hơn 30.860 người cũng đang tạm dừng hoạt động.

Trên thực tế, hiện nay các ca F0 vẫn đang được phát hiện liên tục trong các khu công nghiệp. Tính đến ngày 3/8, có 259 doanh nghiệp với 1.766 ca F0 được phát hiện tại doanh nghiệp và các khu cách ly. Đến nay còn 26 doanh nghiệp với 165 ca F0 và 111 ca nghi nhiễm vẫn chưa được Trung tâm y tế đưa đi cách ly tập trung dù đã quá 24 giờ sau khi phát hiện.

Hiện, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã thông báo cho các doanh nghiệp đang thực hiện các phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” lập danh sách người lao động đang làm việc để chuẩn bị thực hiện tiêm vaccine theo kế hoạch của Sở Y tế.

Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận đã rất chủ động, linh hoạt điều tiết cả nhân lực và vật lực làm việc theo phương án “3 tại chỗ” để vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho biết, kể từ khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 16/7/2021 về triển khai đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã triển khai, phổ biến đến các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp về các biện pháp phòng, chống dịch. Ban Quản lý cũng chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động khi đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” trong việc phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện quy định 5K; giảm 50% người lao động; đồng thời phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động 3 ngày/lần và thực hiện ký giấy xác nhận đi lại cho người lao động.

Qua kiểm tra của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho thấy, tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thành Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và Khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam) đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo thực hiện đúng phương án “3 tại chỗ”. Các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 100 người cũng đều chọn phương án “3 tại chỗ” để tổ chức và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lao động cao hơn, chưa đảm bảo các điều kiện “3 tại chỗ” thì đang thực hiện phương án bố trí người lao động đi làm luân phiên, giảm 50% lao động làm việc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục