Giải pháp tối ưu vận hành và quản lý năng lượng tái tạo

18:36' - 10/09/2021
BNEWS Để lau sạch 5.000 m2 điện mặt trời, sản phẩm robot do Vũ Phong sản xuất sẽ mất khoảng 4 giờ. Robot chỉ cần 1 người điều khiển trên mái và khả năng điều khiển từ xa lên tới 200m.

Chiều 10/9, Công ty Vũ Phong Tech, thành viên Vũ Phong Energy Group đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải pháp tối ưu vận hành, bảo dưỡng và quản lý tài sản năng lượng tái tạo – Robot vệ sinh pin mặt trời 100% Made in Vietnam”. 

Theo chia sẻ của ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group, Việt Nam trong thời gian gần đây phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ có tổng công suất lắp đặt hiện đã đạt hơn 16 GW.

Với lượng công suất lắp đặt lớn, yêu cầu đặt ra với các đơn vị vận hành là việc bảo dưỡng và tối ưu hiệu quả các sản phẩm pin mặt trời sau thời gian dài sử dụng để tạo ra nhiều sản lượng nhất, ổn định điều độ lưới.

Chia sẻ về giải pháp công nghệ tại hội thảo, ông Phạm Đăng An, đại diện Vũ Phong Tech cho hay, công ty này đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm robot vệ sinh tấm pin mặt trời VPT TB1200 S1.

Robot này sẽ giúp lau sạch hơn các tấm pin nhờ điều chỉnh được tốc độ lau, đảo chiều lau, chế độ di chuyển tiến lùi và khoảng cách giữa các chổi. Ngoài ra, sản phẩm này cũng giúp nâng cao năng suất và tiết kiệm nước; làm sạch những vị trí xa, khó tiếp cận và có thể tự di chuyển qua khoảng hở giữa các dây pin lên đến 400 mm.

Theo tính toán, để lau sạch 5.000 m2 điện mặt trời, sản phẩm robot do Vũ Phong sản xuất sẽ mất khoảng 4 giờ. Robot chỉ cần 1 người điều khiển trên mái và khả năng điều khiển từ xa lên tới 200m, tích hợp giám sát hành trình, tính toán diện tích lau…

Đánh giá của ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận cho hay, sản phẩm robot có thể giải quyết nhiều vấn đề vận hành và bảo trì (O&M) điện mặt trời. Nhưng với điện gió thì doanh nghiệp Việt vẫn còn thiếu.

Để làm được việc bảo trì, sửa chữa cho điện gió sẽ còn nhiều khó khăn do có nhiều công nghệ vận hành điện gió rất khác nhau. Hiện nay, Vũ Phong và nhiều đơn vị đã có thể chẩn đoán được các lỗi, sự cố trong các thiết bị điện gió, từ đó sửa chữa được phần nhỏ những lỗi cơ bản.

Nhưng nếu có thể phối hợp với các đơn vị quốc tế để có giải pháp cụ thể thì sẽ tự chủ được trong việc vận hành và bảo trì. Đây là vấn đề mà các hãng lớn đang độc quyền tại Việt Nam.

“Thị trường O&M cho điện gió Việt Nam sẽ là rất lớn. Nếu có được nhân lực O&M trong lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có thể cạnh tranh với nước ngoài. Vì “bác sĩ” trong nước cho điện gió sẽ luôn sẵn sàng, chi phí thấp hơn, giảm thời gian di chuyển…”, ông Thịnh nói

Nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng, câu chuyện về bảo trì, sửa chữa các thiết bị điện gió sẽ khó khăn hơn so với điện mặt trời. Hiện nay, doanh nghiệp phải ký kết với đối tác nước ngoài từ 10-15 năm về bảo trì, sửa chữa.

Ông Phạm Nam Phong cho biết, hiện Vũ Phong Group cũng đã đẩy mạnh đào tạo nhân lực của kỹ sư trong nước, tạo điều kiện cọ sát, tiếp cận các dự án điện gió để trình độ có thể tiệm cận với các kỹ sư nước ngoài. Mỗi doanh nghiệp cần tập trung vào phần lõi để là một phần trong chuỗi giá trị O&M.

“Điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi ngoài khoản đầu tư rất lớn thì cũng liên quan đến an ninh biển đảo… Do vậy, trong thời gian tới, những người làm công tác bảo trì, sửa chữa phải là những doanh nghiệp Việt”, ông Phạm Nam Phong nói.

Thời gian tới, Vũ Phong Energy Group sẽ xây dựng nhà máy sản xuất các robot chuyên dụng cho việc bảo dưỡng, vệ sinh điện mặt trời. Ngoài robot, tập đoàn này còn cung cấp các giải pháp về vận hành, bảo dưỡng sản phẩm năng lượng tái tạo…/.

>>Lĩnh vực đầu tư nào hấp dẫn doanh nghiệp?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục