Giải tỏa vướng mắc để doanh nghiệp tự tin khai thác thị trường

19:46' - 07/02/2018
BNEWS Thông qua hệ thống Thương vụ, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, tìm hiểu thị hiếu và xu hướng mới để tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018, chiều 7/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, đại diện các Sở Công Thương và doanh nghiệp đã có buổi trao đổi trực tiếp những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang thị trường Brazil, Trung Đông, châu Mỹ và châu phi nhưng nhiều năm qua Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới chỉ dừng lại ở mức bán hàng theo phương thức mô hình kinh doanh giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B).

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hy vọng tham tán thương mại tại khu vực này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua kênh thương mại điện tử theo phương thức B2C để tiếp cận với người tiêu dùng tại nhiều thị trường.

Chia sẻ thông tin để Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông và các doanh nghiệp tham dự Tọa đàm có thể học hỏi kinh nghiệm và kết nối với thị trường Panama, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại tại Panama nhấn mạnh, đây là thị trường trung chuyển, có vị trí rất thuận lợi giao thương.

Hơn nữa, Panama cũng là thị trường có rất nhiều kinh nghiệm bổ ích trong việc giới thiệu hàng hóa, quảng bá rộng rãi sản phẩm đến các doanh nghiệp các vùng lân cận như Caribe, Colombia, Nam Mỹ…

Do vậy, thông qua hệ thống Thương vụ, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, tìm hiểu thị hiếu và xu hướng mới để tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trước những băn khoăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu (bông) của ngành kéo sợi tại thị trường Ấn Độ của doanh nghiệp tại Thái Bình, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Ấn Độ cho biết, Thương vụ đã cung cấp nhiều thông tin cảnh báo doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Thương vụ cũng đồng tình việc Bộ Công Thương khuyên doanh nghiệp nên bỏ ra chi phí thuê công ty quốc tế có uy tín để chứng nhận, kiểm định chất lượng hàng hóa trước khi hàng xếp xuống tàu.

Bởi theo ông Bùi Trung Thướng, làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ loại bỏ rủi ro thay vì giải quyết tranh chấp. Riêng đối với nhập khẩu bông, nếu doanh nghiệp trong nước quan tâm, Thương vụ sẽ giới thiệu những khu nguyên liệu uy tín, đảm bảo tại nước này.

Bên cạnh những thắc mắc từ phía doanh nghiệp, luật sư Ngô Văn Hiệp cho hay, ông là người tư vấn cho các doanh nghiệp Việt về vấn đề tranh chấp quốc tế. Trong vấn đề này thì vai trò của các Tham tán thương mại rất lớn.

Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Ngô Văn Hiệp cho biết mới đây, bản thân ông đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Tham tán Thương mại tại Nhật Bản để xử lý vướng mắc của một doanh nghiệp trong nước.

Do đó, ông Ngô Văn Hiệp hy vọng các tham tán thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như những luật sư như ông.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, các Tham tán sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cũng như những yêu cầu từ phía “nhà” với trách nhiệm và sự nhiệt tình tối đa.

Dù vậy, nhiệm vụ chính của các tham tán là hỗ trợ xúc tiến thương mại, còn những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ thẩm định, điều tra, nếu trong khả năng, Tham tán sẽ hỗ trợ.

Tuy nhiên, có những lúc vì lý do khách quan liên quan đến công việc, thời gian, kinh phí… , các Tham tán sẽ không thể hỗ trợ hết những yêu cầu ngoài nhiệm vụ chuyên môn được. Do đó, các luật sư nên tư vấn cho doanh nghiệp các biện pháp phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra thì sẽ hiệu quả hơn.

Tại buổi Tham tán gặp gỡ doanh nghiệp, nhiều câu hỏi liên quan đến nhập khẩu khăn bông, xuất khẩu miến dong, xuất khẩu các loại quả như nhãn, xoài, chanh leo… vào các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, Australia, Thụy Sỹ… mà doanh nghiệp đặt ra cũng đã được các Tham tán giải đáp thỏa đáng.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, đầu tư với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu như năm 1986 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước mới đạt 2,944 tỷ USD thì năm 2017 con số này đã vượt trên 400 tỷ USD, tăng gấp khoảng 140 lần.

Trong đó, 29 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên. Nhiều nhóm hàng của Việt Nam như cà phê, gạo, hạt tiêu, dệt may, giày dép, điện thoại... ngày càng được ưa chuộng và có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, đến cuối tháng 12/2017, cả nước có 24.748 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD.

Bên cạnh đó, về hoạt động kinh tế đối ngoại, Bộ Công Thương đã góp phần to lớn cho sự thành công của trên hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Trong thành công chung đó, không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tuy chưa đều khắp nhưng đã nỗ lực vươn lên, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục