Giảm ngân sách của USAID, liệu chính quyền Mỹ có thiếu quan tâm đến Mỹ Latinh? (Phần 1)

05:30' - 24/11/2017
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp quy định việc tái cơ cấu một số thể chế, trong đó có Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID), nhằm đạt hiệu quả và trách nhiệm cao hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo sắc lệnh trên, từ ngày 1/10 vừa qua, Mỹ bước vào năm tài khóa 2018 (10/2017-9/2018) và trong chu kỳ này, dự kiến USAID sẽ chỉ được cấp 60% ngân sách so với năm tài khóa 2017 trước đó. Andrew Natsios, cựu Giám đốc USAID từng đánh giá quyết định cắt giảm ngân sách này là “thảm họa dài hạn”.

Các phương tiện truyền thông của giới tài phiệt đồng thời nhận định rằng động thái này sẽ để lại hậu quả trong hoạt động của cơ quan trên tại Mỹ Latinh và là minh chứng cho sự thiếu quan tâm của chính quyền Donald Trump tới khu vực này.

Báo động về nguy cơ USAID biến mất lan rộng sau khi tờ Foreign Policy tiết lộ một văn bản liên quan, trong đó đề cập đến kế hoạch phân bổ ngân sách mới và cảnh báo rằng việc cắt giảm này có thể lên tới 100% đối với các chương trình hỗ trợ phát triển, hỗ trợ nhân đạo và quân sự, và thậm chí, trên bình diện quốc gia, là đối với các chương trình tại Cuba, Brazil, Venezuela, Ecuador và Nicaragua.

Trang mạng celag.org của Trung tâm nghiên cứu địa chính trị Mỹ Latinh có bài viết nhận định rằng quan ngại về những hậu quả đến từ sự vắng mặt của USAID tại một số địa bàn này đã không tính đến sự can thiệp của cơ quan này vào các vấn đề chính trị, an ninh nội bộ của các nước thụ hưởng viện trợ cũng như chức năng sản sinh ra một mô hình phụ thuộc vào loại hình viện trợ phát triển.

Từ góc độ này, Tổng thống Trump đề xuất những ưu tiên của USAID là chính sách đối ngoại và địa chiến lược, gạt sang một bên việc hỗ trợ phát triển – trừ khi nó được định hướng theo chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.

Nhưng sự “thay đổi chức năng” này trên thực tế lại không phải vậy, bởi vì USAID từ khi được thành lập đã luôn hoạt động gắn liền với các vấn đề về an ninh như một phần của chiến lược viện trợ “cho phát triển”.

USAID sẽ ra đi?

Do chưa có số liệu của năm tài khóa 2017 (10/2016-9/2017) về tổng ngân sách mà Mỹ dành cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, nên các tính toán liên quan tới viện trợ sẽ dựa trên những số liệu của năm 2016.

Trong tài khóa 2016 (10/2015-9/2016), các nước nhận nhiều viện trợ nhất từ Washington là Haiti (trên 500 triệu USD), Colombia (hơn 300 triệu USD), Honduras , Guatemala (đều hơn 200 triệu USD), Peru và Mexico (đều trên 100 triệu USD).

Trong số các nước này, những lý do mà Mỹ phân phối viện trợ chủ yếu là cuộc chiến chống ma túy và cải cách tư pháp, kiểm soát biên giới, hỗ trợ phát triển, duy trì căn cứ quân sự và kiềm chế làn sóng di cư.

Những dự án này được “chèn” vào mô hình của “cuộc chiến chống ma túy” vốn đã được thể chế hóa qua các chương trình lớn như Kế hoạch Colombia, Sáng kiến Merida (Mexico) và Sáng kiến khu vực vì an ninh Trung Mỹ (CARSI), từng tạo ra nhiều tranh cãi và chỉ trích trong các khía cạnh triển khai, đặc biệt là quá trình quân sự hóa tương đối rõ ràng, hiện tượng gia tăng bạo lực, vi phạm có hệ thống quyền con người và sự đứt gãy của cấu trúc xã hội tại các nước được viện trợ.

Cho tới nay, USAID là cơ quan điều phối khoảng 80% các khoản viện trợ mang danh nghĩa hỗ trợ phát triển của Mỹ cho Mỹ Latinh, nhưng không phải là cơ quan duy nhất.

Bên cạnh cơ quan chuyên trách này, còn có các đơn vị trực thuộc các Bộ Nông nghiệp, Ngoại giao, Năng lượng, các phái bộ Hòa bình; Thương mại và Phát triển, Tư pháp, Tài chính, Nội vụ và thậm chí cả Bộ An ninh nội địa.

Theo công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, đề xuất ngân sách viện trợ phát triển của Tổng thống Donald Trump dành cho Mỹ Latinh trong năm tài khóa 2018 là 662 triệu USD (giảm 38,9% so với con số 1,0836 tỷ USD của năm 2016), trong đó ngân sách viện trợ giảm tại tất cả các nước.

Như đã nêu trên, văn bản do Foreign Policy tiết lộ đã được “mổ xẻ” trong nhiều bài phân tích theo hướng cho rằng USAID sẽ rút khỏi một số quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, ngay đầu năm tài khóa 2018, khi ngân sách chính thức đã được Quốc hội chuẩn y được công bố, có thể thấy rằng cho dù sự cắt giảm là rõ ràng – xuống mức 756,831 triệu USD cho cả khu vực, nhưng không hề có cái gọi là sự rút lui của USAID hay các thể chế khác.

Hạ viện của Quốc hội Mỹ, trong văn bản Dự luật Phân bổ cho Ngoại giao, các hoạt động ngoài nước và các chương trình liên quan năm 2018, được trình vào tháng 7/2017 từng khuyến nghị dành cho (các lực lượng chống đối tại) Cuba ngân sách 30 triệu USD để “khuyến khích dân chủ” và “củng cố xã hội dân sự”, và khoảng 8 triệu USD cho Venezuela với mục đích tương tự.

Tuy nhiên, theo như kế hoạch dự toán cho ngân sách viện trợ chính thức năm 2018, Cuba, Venezuela, Ecuador và Bolivia (4 nước được coi là tả khuynh cấp tiến tại khu vực) sẽ không nhận được nguồn lực từ USAID, Bộ Ngoại giao Mỹ hay bất cứ thể chế chính phủ nào khác từ siêu cường phương Bắc này.

Việc rút các khoản viện trợ, vốn chủ yếu được rót cho các thế lực đối lập hoặc phản động tại 4 nước trên, có thể được hiểu là do những va chạm thường xuyên của các cơ quan chính phủ Mỹ này với các chính quyền sở tại ở 4 nước trên.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Mỹ thiếu sự quan tâm (từ cả giới tư nhân lẫn trong giới công quyền) đối với các quốc gia này, thể hiện qua những “sự quan ngại” thường xuyên của Mỹ dành cho Venezuela hay các chính sách của Tổng thống Trump đối với Cuba.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục