Giảm thuế GTGT - Mũi tên trúng nhiều đích!

07:59' - 15/03/2022
BNEWS Giảm thuế GTGT được xem là quyết sách mang tính đột phá và hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm những động lực để tạo đà tăng trưởng và bứt phá sau đại dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình vừa được Chính phủ ban hành, một trong những giải pháp được thực thi ngay đó là giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% xuống 8%.

Đây được xem là quyết sách mang tính đột phá và hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm những động lực để tạo đà tăng trưởng và bứt phá sau đại dịch COVID-19.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây trong bối cảnh dịch bệnh, khi có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh thì chỉ một số ít đối tượng được hưởng lợi.

Đó có thể là những doanh nghiệp có thu nhập và có lợi nhuận song vẫn được hưởng các ưu đãi về thuế.

 

Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp khác, dù là vì lý do này hay lý do khác, không đủ các tiêu chuẩn hay điều kiện quy định lại gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các ưu đãi của Nhà nước.

Họ vừa không có lợi nhuận, vừa không có thu nhập, doanh thu lại sụt giảm và đứng trước ngưỡng giải thể, phá sản nhưng cũng không đáp ứng các yêu cầu để hưởng sự ưu đãi, hỗ trợ. Như vậy có thể thấy, lần này việc giảm thuế giá trị gia tăng hay còn gọi là thuế gián thu - sắc thuế có số thu lớn nhất trong thu ngân sách Nhà nước, chính là một lựa chọn sáng suốt.

Theo các chuyên gia tài chính, mức giảm tới 2% tức là thu 5 đồng thuế giá trị gia tăng thì sẽ miễn 1 đồng, là con số không nhỏ và chắc chắn mọi đối tượng của nền kinh tế sẽ đều được hưởng lợi.

Theo lý giải của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tác động tốt đầu tiên, đó là gần như toàn bộ giao dịch trong nền kinh tế được hưởng ưu đãi hỗ trợ, trừ một số đối tượng theo quy định. Đây là thuế gián thu mà người tiêu dùng cuối cùng cần phải nộp. Do đó, người được hưởng lợi lớn nhất và trực tiếp nhất chính là người tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thì việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào; nhờ đó, có thể giảm bớt giá thành sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn nhiều là nhờ việc giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mở rộng quy mô, doanh thu, thị trường và khả năng tiêu thụ,...

Trong suốt hai năm qua, dưới tác động của dịch bệnh, tổng cầu tiêu dùng trong nước được thể hiện bằng chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội.

Nếu trước dịch bệnh, mỗi năm tăng trưởng tổng cầu tiêu dùng cả nước trên dưới 10%, có những năm cao lên tới từ 12 - 13%, nhưng năm 2021, chỉ số này giảm tới gần 10%.

Do đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp nền kinh tế có điều kiện và cơ hội để phục hồi lại tổng tiêu dùng trong nước nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi tiến hành giảm thuế giá trị gia tăng, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 49.000 tỷ đồng. Nhưng số tiền này sẽ "nằm lại" trong túi của các hộ gia đình, các cá nhân và cả doanh nghiệp. Song lượng tiền ấy sẽ tiếp tục tiêu dùng và lưu thông ra ngoài thị trường lên cấp số nhân, thậm chí có thể nhiều hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh liên tục và kéo dài suốt 2 năm qua, dù đã có không ít chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, bổ sung thu nhập cho người lao động... nhưng thực tế cho thấy, vẫn có hàng chục triệu người lao động bị giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập; hàng triệu người mất việc làm.

Vì thế, trong xu hướng này, nếu giá cả hàng hóa không tăng, mà còn giảm nhờ vào ưu đãi của chính sách thuế gia tăng sẽ tạo nên sức ảnh hưởng lớn và tác động tới đời sống của toàn xã hội. 

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hương Giang, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học An Phát cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của An Phát. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thiếu hụt. Nhiều điểm bán hàng của An Phát đã phải tạm thời đóng cửa.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, An Phát hầu như nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi từ Nhà nước, nhưng để duy trì hoạt động, tồn tại và phát triển, An Phát đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển hướng giao dịch qua các sàn thương mại điện tử hoặc cung cấp dịch vụ trực tuyến. Cùng với đó, thay đổi quy trình phục vụ và hệ thống bán để thích nghi với trạng thái bình thường mới và thúc đẩy mạnh mẽ các dịch vụ khác để bù đắp tổn thất.

Chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% là nhắm tới người tiêu dùng, nhưng qua đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi gián tiếp.

Là doanh nghiệp thương mại nên bản thân An Phát cũng là một khách hàng của các đối tác và nhà cung cấp. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp An Phát tiết kiệm khá nhiều trong những khoản thuế phải nộp.

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng tích lũy, bồi đắp nội lực, nâng cao sức cạnh tranh mà hàng hóa, sản phẩm do An Phát bán ra cũng được kết cấu lại giá thành hợp lý hơn, song song với các chương trình ưu đãi, khuyến mại khác để kích thích sức mua của người tiêu dùng.

Có thể đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ này từ phía Nhà nước, bởi không chỉ các tập thể mà kể cả từng cá nhân khi tham gia thương mại, dù với tư cách là người bán hay người mua sẽ đều được hưởng lợi.

Đây cũng được xem là chính sách kích cầu hữu dụng, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tiêu dùng của người dân trong bối cảnh khó khăn về thu nhập, phải thắt chặt chi tiêu như hiện nay, bà Giang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong nước; đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn cần nhiều hơn nữa so với việc chỉ giảm thuế giá trị gia tăng. Bởi giảm thuế sẽ chỉ có tác dụng làm giảm đi một lượng vốn nhất định khi phải mua hàng hóa đầu vào.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt vẫn cần được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp và những điều kiện đang áp dụng hiện nay như doanh thu dưới 200 tỷ đồng và thấp hơn năm 2019 thì không dễ thực hiện.

Khá phấn khởi với tấm hóa đơn mua hàng tại siêu thị Vinmart, bà Nguyễn Thị Thảo, cư dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, hàng tháng gia đình chi tiêu khoảng 10 triệu đồng cho việc đi chợ qua kênh siêu thị. Khá bất ngờ khi thấy lượng hàng mua mỗi lần không thay đổi nhưng tổng hóa đơn thanh toán được giảm tới hơn 30 nghìn đồng nhờ vào việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Mặc dù, chưa phải số tiền lớn song nếu mỗi tháng trung bình đi chợ khoảng 5-7 lần thì gia đình cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể và để dành chi thêm cho các hạng mục khác cần tiêu dùng.

Bà Thảo bày tỏ, chưa biết chủ trương này sẽ tiếp tục kéo dài tới khi nào nhưng đối với người lao động rõ ràng sẽ tác động tích cực tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Mong rằng, Chính phủ sẽ nghiên cứu nhiều chính sách tương tự để bất kỳ là ai trong xã hội cũng đều được hưởng ưu đãi như nhau, góp phần ổn định và an sinh xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục