Gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ: Món khai vị của ngành năng lượng toàn cầu

13:58' - 16/01/2024
BNEWS Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đang gây khó khăn cho tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á và tác động ngay đến giá năng lượng thế giới.

Qatar đã đình chỉ các chuyến hàng vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua Biển Đỏ và thêm sáu tàu chở dầu đã đổi hướng do cuộc xung đột tại khu vực Biển Đổ giữa Mỹ và phiến quân Houthi đã dẫn tới sự gián đoạn tại tuyến đường thương mại quan trọng của lĩnh vực năng lượng.

 

Các cuộc tấn công vào tàu bè kể từ tháng 10/2023 của lực lượng Houthi ở Yemen đã ảnh hưởng đến thương mại và báo động về tình trạng bất ổn địa chính trị leo thang tại khu vực sau xung đột kéo dài hơn ba tháng giữa Israel với phiến quân Hamas ở dải Gaza.

Theo công ty An ninh Hàng hải Ambrey của Anh, trong diễn biến mới nhất, một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Mỹ được cho là đã bị một tên lửa tấn công gần cảng Aden (Yemen), gây ra hỏa hoạn tại một hầm hàng nhưng không có người bị thương trên tàu. Điều đó có thể đánh dấu việc mở rộng mục tiêu của lực lượng Houthi, trước đây cho biết sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào các tàu của Israel hoặc những tàu đang trên đường tới Israel.

Một nguồn tin cấp cao cho biết, để đối phó với tình trạng bất ổn, Qatar Energy, nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới, hiện đã hoãn lại ít nhất 4 tàu chở khí đốt từ Biển Đỏ. Trước đó, hầu hết các tàu container đều lên lộ trình vận chuyển tránh khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Gaza.

Giữa bối một số dây chuyền cung ứng bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị, nhà sản xuất ô tô Suzuki của Nhật Bản cho biết hoạt động sản xuất tại nhà máy Esztergom ở Hungary sẽ bị tạm dừng từ ngày 15-21/1, do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã làm trì hoãn việc cung cấp các động cơ do Nhật Bản sản xuất.

Trung Quốc cũng lo lắng về những tác động đối với lợi ích thương mại lớn của họ dọc theo kênh đào Suez.

Biển Đỏ được nối với Địa Trung Hải bởi kênh đào Suez, tạo ra tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, đồng thời được kết nối với Vịnh Aden bằng eo biển Bab al-Mandab giữa Yemen và Djibouti. Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển thế giới đi qua kênh đào này.

Dữ liệu LSEG cho thấy giá khí đốt chuẩn của châu Âu trong tháng trước tại sàn giao dịch TTF của Hà Lan đã giảm 1,94 euro (2,12 USD), xuống 29,66 euro/MWh trong phiên giao dịch chiều ngày 15/1.

Giá LNG giao ngay tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng là 10,10 USD/1 triệu Btu vào cuối tuần trước, được hỗ trợ bởi lượng dự trữ tốt ở châu Âu và Đông Bắc Á.

Giá dầu thế giới mất hơn 1% vào phiên 15/1, do tác động của cuộc xung đột ở Trung Đông đối với sản lượng dầu thô đã thúc đẩy hoạt động bán tháo chốt lời sau khi giá dầu tăng 2% vào tuần trước.

Tuyến đường qua Biển Đỏ kết nối châu Á tới châu Âu, qua Kênh đào Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế. Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua Kênh đào Suez và các tàu đi từ châu Á tiếp cận kênh đào qua eo biển Bab-el-Mandeb rộng 30 km. Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đang gây khó khăn cho tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á.

Do phải tránh tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á này, các con tàu sẽ tốn khá nhiều thời gian di chuyển. Chuyên gia Eric Jaslin của Trung tâm Hợp tác và Tiếp nhận thông tin hàng hải (MICA) nhấn mạnh: "Trên tuyến đường từ phía Đông Trung Quốc đến phía Tây Bắc châu Âu, mất khoảng 40 ngày qua Biển Đỏ. Việc đi vòng qua phía Nam châu Phi tăng thêm khoảng từ 12-14 ngày cho thời gian di chuyển". Điều này dẫn đến sự tăng giá vận chuyển container, vì có ít chuyến và do đó ít khả năng đáp ứng nhu cầu. Việc đi đường vòng cũng tạo ra chi phí phụ cho chủ tàu, mà họ chuyển gánh cho khách hàng: tàu tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn và thủy thủ đoàn phải làm việc lâu hơn. Chi phí bảo hiểm cũng tăng trong những tình huống như vậy.

Hậu quả giá tăng chóng mặt. Nếu nhìn vào Chỉ số Baltic của Freightos, một tham chiếu uy tín trong lĩnh vực này, cước vận chuyển một container 40 feet giữa Trung Quốc và châu Âu đã tăng hơn bốn lần từ tháng Mười từ dưới 900 euro mỗi container lên hơn 4.000 euro hiện tại. Trong hai tuần qua, các mức cược này thậm chí đã gần như tăng gấp đôi và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuần tới, CMA CGM cũng sẽ tăng gấp đôi cước vận chuyển container từ một số khu vực ở châu Á đến khu vực Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cước vận tải container hiện nay vẫn còn kém xa so với đỉnh điểm trong đợt khủng hoảng COVID-19 khi mà mức cước đã tăng tới hơn 10 lần.

Tháng Một là một tháng rất quan trọng đối với vận chuyển hàng hóa qua đường biển, đặc biệt là đối với giao dịch giữa Trung Quốc và châu Âu. Trung Quốc đón Tết Nguyên đán vào đầu tháng Hai. Nền kinh tế Trung Quốc gần như sẽ không hoạt động gì trong hai tuần lễ hội và tất cả các nhà nhập khẩu châu Âu đều muốn tích trữ hàng hóa trước thời điểm này. Cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời điểm xấu nhất trong năm vì nhu cầu rất lớn. Có thể có tình trạng thiếu hụt hàng hóa do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Các nhà phân tích cho biết chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã tăng mạnh kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở vùng biển này vào cuối tháng 11/2023 và sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể đẩy lạm phát lên cao trên toàn cầu.

Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn Chỉ số giá cước vận tải container thế giới (WCI) của công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry, hãng theo dõi giá cước vận chuyển container trên 8 tuyến đường chính đến và đi từ Mỹ, châu Âu và châu Á, cho hay phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Biển Đỏ hiện ở mức khoảng 4.000 USD, tăng 248% so với mức 1.148 USD ghi nhận vào ngày 21/11/2023 và tăng 140% so với ngày 23/12/2023.

Còn chuyên gia Christian Roeloffs, đồng sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của Container xChange có trụ sở tại Hamburg (Đức), cho hay tình hình đã trở nên khó khăn khi các chi phí phụ cũng như phí bảo hiểm tăng lên. Ông Roeloffs nói thêm: "Phí bảo hiểm rủi ro do xung đột đã tăng gấp đôi trong tuần qua và chúng tôi dự đoán con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục