Gian nan tiến trình đàm phán Brexit (Phần 2)

06:30' - 29/12/2017
BNEWS EU cho rằng trong thời kỳ chuyển tiếp này, Anh vẫn sẽ có tư cách thành viên nhất định nào đó, cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chính mà các nước thành viên phải thực hiện đầy đủ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AFP PHOTO

Hiện tại, tiêu điểm tập trung của EU là điều kiện của “thời kỳ chuyển tiếp”. Theo sự đồng thuận đạt được giữa Anh và EU, nếu tiến trình đàm phán Brexit vốn dự kiến trong 2 năm diễn ra thuận lợi, Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào tháng 3/2019, và sau đó cho đến cuối năm 2020 nên có “thời kỳ chuyển tiếp” trong 2 năm.

EU cho rằng trong thời kỳ chuyển tiếp này, Anh vẫn sẽ có tư cách thành viên nhất định nào đó, cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chính mà các nước thành viên phải thực hiện đầy đủ, nhưng lại không còn được hưởng quyền lợi chính trị thực chất mà quốc gia thành viên nên được hưởng.

Cụ thể, EU đề xuất đến cuối năm 2020, Anh vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và quy định hành chính của EU, kể cả tất cả các luật và quy định mà EU mới đưa ra, đồng thời tiếp tục nộp thuế, đóng góp tiền vào ngân sách của EU, nhưng Anh không thể tham gia vào các cơ quan chủ yếu của EU, không còn có quyền đề cử và bỏ phiếu liên quan đến các quyết sách của EU, hơn nữa các quy tắc hoạt động của Tòa án EU vẫn còn sức ràng buộc đối với hệ thống tư pháp của Anh một thời gian dài sau năm 2020.

Đổi lại, EU cho phép Anh ở lại thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan cho đến cuối năm 2020, được hưởng lợi ích kinh tế từ các yếu tố sản xuất khác mà dòng chảy tự do trong phạm vi EU mang lại.

Bài phát biểu ngày 8/12 của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và trong dự thảo hướng dẫn cho giai đoạn 2 của cuộc đàm phán được Hội đồng châu Âu đưa ra vào ngày 8-12/12 đều cho thấy chi tiết thực thi ý tưởng “thời kỳ chuyển tiếp” của các nhà quyết sách EU, đàm phán chi tiết với Anh. Vấn đề của “thời kỳ chuyển tiếp” đã được EU liệt vào các nội dung quan trọng của các cuộc đàm phán giai đoạn tiếp theo.

Đối với nước Anh, các điều khoản của “thời kỳ chuyển tiếp” có thể được xem là khá nghiệt ngã, khiến nước này cảm thấy lúng túng khó xử. Do đó, cả bà Theresa May lẫn các thành viên nội các đều không công khai phát biểu bất kỳ ý kiến nào về các điều kiện của “thời kỳ chuyển tiếp” do EU đề xuất và dường như cố ý tránh nói về vấn đề này.

Về phía Anh, điều mà họ quan tâm là làm thế nào xác định khuôn khổ quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên sau khi Anh rời khỏi EU. Ngày 10/12, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, David Davis nói rằng hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do Anh-EU với thuế quan bằng 0, hơn nữa thỏa thuận này phải được ưu đãi hơn Hiệp định thương mại tự do EU-Canada” mới đạt được gần đây, nên là một cấu trúc mới của hiệp định “Canada +++”.

Davis cũng cảnh báo rằng Anh sẽ không trả “phí chia tay” cho EU nếu họ không có ý định bàn về mối quan hệ thương mại trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, EU dường như ít quan tâm đến vấn đề quan hệ thương mại trong tương lai. Bản dự thảo ý kiến chỉ đạo về đàm phán Brexit giai đoạn 2 của Hội đồng châu Âu đưa ra 9 ý kiến, không một ý kiến nào trong số đó nói rõ về mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Ngày 12/12, đại diện Nghị viện châu Âu chịu trách nhiệm đàm phán Brexit Guy Verhofstadt đã ra sức chỉ trích Davis rằng những lời đi kèm “phí chia tay” là “không thể chấp nhận”, và cho biết Nghị viện châu Âu sẽ thông qua một dự luật để đảm bảo rằng các thỏa hiệp mà Theresa May đưa ra có thể được thực hiện, sau đó mới có thể đàm phán về quan hệ thương mại trong tương lai.

Một số quan chức của Ủy ban châu Âu đang cố tình nói với Anh về hiệp định thương mại tự do EU-Nhật Bản đạt được ngày 8/12 để chứng tỏ EU đã có sự lựa chọn khác trong hợp tác kinh tế đối ngoại, không đặc biệt quan tâm đến quan hệ thương mại với Anh.

Đêm 12/12, phiên họp toàn thể của các thành viên liên lạc Hội đồng châu Âu truyền đi thông tin trước hội nghị thượng đỉnh EU vào giữa tháng 3/2018, sẽ không khởi động đàm phán về tương lai của mối quan hệ thương mại song phương với Anh. So với sự thiếu kiên nhẫn của phía Anh, EU dường như khá bình tĩnh.

Ngay từ ban đầu, tiến trình “kết hôn” giữa Anh và EU đã gặp nhiều trắc trở và cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU hiện nay thậm chí còn phức tạp và kéo dài hơn. Kể từ khi bắt đầu đàm phán Brexit, hai bên đã có bất đồng rõ rệt về mối quan tâm chính và mong muốn lợi ích.

EU luôn ôm tâm lý oán hận đối với cuộc “chia tay” này, hy vọng có thể tăng thêm tối đa khó khăn cho cuộc “ly hôn”, cố gắng duy trì nguyên trạng trước cuộc “ly hôn” này, trong khi nước Anh đã không thể kiên nhẫn hơn trong việc lên kế hoạch cho “cuộc sống mới” sau khi “ly hôn”, quan tâm đến lợi ích kinh tế cụ thể trong tương lai, muốn sớm xác định quan hệ thương mại Anh-EU sau khi rời khỏi EU.

Tâm lý và quan điểm của họ của họ rất khác nhau, ngoài ra hai bên còn có sự khác biệt sâu sắc về nhận thức.

Giai đoạn 1 của cuộc đàm phán đã kết thúc, song những bất đồng mang tính căn bản giữa họ về mối quan tâm chính và mong muốn lợi ích giữa hai bên không giảm, khoảng cách nhận thức giữa hai bên vẫn không thay đổi.

Đúng như những lời thoại kinh điển trong vở kịch “Julius Casesar” của Shakespeare: “Trong khoảng thời gian từ khi lập kế hoạch cho một hành động nguy hiểm đến bắt đầu một loạt hành động, một người giống như đang trong một cơn ác mộng khủng khiếp, và cũng luôn ở trong ảo tưởng.

Ngày 15/12, các nhà lãnh đạo EU đã chính thức phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn tiếp theo trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU. Giai đoạn hai sẽ tập trung vào một quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa hai bên sau thời điểm Anh chính thức rời đi vào ngày 29/3/2019.

Có thể nói, trong cơn “ác mộng” dài của tiến trình Brexit, bước chuyển ngoặt hiện tại cũng có lẽ chỉ là ảo tưởng. Trong bước chuyển ngoặt đó cũng ẩn chứa đứng các cuộc khủng hoảng, mâu thuẫn sâu sắc giữa Anh và EU vẫn chưa thể được giải quyết. Có thể dự đoán giai đoạn 2 của cuộc đàm phán vẫn còn đầy rẫy chông gai và khó khăn hơn giai đoạn đầu tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục