Giới chức ngân hàng Afghanistan thúc giục Mỹ và IMF cho phép tiếp cận nguồn tài chính

07:16' - 02/09/2021
BNEWS Taliban đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lực lượng này khó có thể dễ dàng tiếp cận khoản dự trữ gần 10 tỷ USD của ngân khố quốc gia.

Một thành viên hội đồng quản trị cấp cao của Ngân hàng trung ương Afghanistan (DAB) ngày 1/9 đã hối thúc Bộ Tài chính Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện các bước đi nhằm trao cho lực lượng Taliban quyền tiếp cận ở mức hạn chế nguồn tiền dự trữ của Afghanistan để nước này không bị rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Taliban đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lực lượng này khó có thể dễ dàng tiếp cận khoản dự trữ gần 10 tỷ USD của ngân khố quốc gia.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “đóng băng” các khoản dự trữ của Chính phủ Afghanistan được gửi trong các tài khoản ngân hàng tại Mỹ vào ngày 15/8 sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Trong khi đó, IMF cũng nêu rõ Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tiền của quỹ tài chính này.

Tuy nhiên, ông Shah Mehrabi - một giáo sư kinh tế tại trường Cao đẳng Montgomery ở Maryland (Mỹ) và là thành viên hội đồng quản trị của DAB từ năm 2002, cho rằng Afghanistan sẽ không thể tránh khỏi "một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo" nếu chính quyền mới không được tiếp cận nguồn tài chính.

Dự kiến trong tuần này, ông sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới lập pháp Mỹ và hy vọng sẽ sớm trao đổi với các quan chức Bộ Tài chính Mỹ về những vấn đề liên quan.

Quan chức này nêu rõ: "Nếu cộng đồng quốc tế muốn ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ, chỉ còn cách là cho phép Afghanistan tiếp cận có giới hạn các nguồn dự trữ và giám sát hoạt động này. Việc không thể tiếp cận nguồn tài chính dự trữ sẽ khiến nền kinh tế Afghanistan đình trệ, trực tiếp gây tổn thương tới người dân Afghanistan, khi các gia đình bị lún sâu hơn vào cảnh bần cùng".

Ông Mehrabi đã đề xuất rằng Mỹ có thể cho phép chính quyền ở Kabul có được một khoản tiền khoảng 100-125 triệu USD/tháng để bắt đầu tái thiết đất nước, đồng thời chỉ định một kiểm toán viên độc lập giám sát hoạt động này.

Ông nhấn mạnh: "Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nên trao đổi với Taliban về khoản tài chính này, giống như cách mà họ đã thương lượng về việc sơ tán công dân". Theo quan chức này, nếu khối tài sản trên vẫn bị đóng băng hoàn toàn, lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao, người dân Afghanistan sẽ không đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản thiết yếu và ngân hàng trung ương sẽ mất các công cụ chính để tiến hành chính sách tiền tệ.

Ông Ajmal Ahmady - người từng là Giám đốc DAB trước khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Kabul - cho biết hiện DAB có khoảng 7 tỷ USD, trong đó bao gồm tiền mặt, vàng, trái phiếu và các khoản đầu tư khác, lưu giữ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Phần lớn số tài sản còn lại nằm trong các tài khoản quốc tế khác và tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế - một ngân hàng dành cho các ngân hàng trung ương có trụ sở tại Thụy Sỹ. Các kho chứa của DAB mà Taliban hiện có thể tiếp cận được chỉ vào khoảng 0,2% hoặc thậm chí ít hơn tổng tài sản dự trữ của Afghanistan./.

>>>Làm thế nào Taliban có thể duy trì hoạt động kinh tế tại Afghanistan?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục