Giới chuyên gia: Chưa nên điều chỉnh tỷ giá vì Brexit

18:42' - 29/06/2016
BNEWS Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) chưa tác động nhiều tới thị trường tiền tệ Việt Nam. Vì vậy, một số chuyên gia tài chính cho rằng Việt Nam chưa cần phải điều chỉnh tỷ giá VND/USD vì Brexit.

Thời gian qua, cụm từ “Anh rời EU” hay “Brexit” được dư luận nhắc tới nhiều. Đó cũng là nguyên nhân làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu những ngày qua. Thị trường tài chính Việt Nam liệu có nằm ngoài xu hướng đó?

* Không đổ xô đi mua vàng vì Brexit

Sáng 24/6, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong EU được công bố với phần thắng tạm nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" EU đã gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ, tài chính toàn cầu.

Ngay sau hiệu ứng đó, giá vàng thế giới tăng mạnh với mức tăng hơn 8%. Giá vàng trong nước cũng theo đà “bứt phá” lên sát mốc 36 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 8/2015.

Tuy nhiên, những ngày sau đó, giá kim loại quý bắt đầu chững lại và không có biểu hiện “phi mã”. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước chỉ biến động quanh mức 35 triệu đồng/lượng.

Mức tăng của giá vàng trong nước đơn giản là sự so sánh giá vàng thế giới quy đổi. Ảnh minh họa: TTXVN

Giới kinh doanh vàng cho biết, dù trong ngày 24/6, giá vàng đã có thời điểm tăng “phi mã” lên tới gần 2 triệu đồng/lượng chỉ trong vài giờ đồng hồ nhưng giao dịch không có đột biến. Nhà đầu tư và người dân dường như chững lại để nghe ngóng.

Nhiều chuyên gia nhận định, có thể nhìn thấy rõ giá vàng thế giới tăng vọt do nhu cầu phòng thủ tài sản cất trữ của nhà đầu tư tăng. Khi giá vàng thế giới tăng mạnh thì tất yếu sẽ dẫn tới giá vàng trong nước tăng.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Duy Cường cho rằng, mức tăng của giá vàng trong nước đơn giản là sự so sánh giá vàng thế giới quy đổi, chi phí để tính giá vàng trong nước, chứ chưa có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư trong nước vì Brexit mà đổ xô mua vàng.

“Do đó, việc tăng này đơn thuần là phản ứng từ thế giới, mà không có yếu tố "thổi giá" hay đầu cơ gì ở trong nước. Xu hướng bình ổn giá đã thể hiện rõ trong những ngày qua”, ông Đỗ Duy Cường nói.

* Chưa đến mức phải điều chỉnh tỷ giá

Với thị trường tiền tệ, có thể thấy Brexit tác động chưa rõ ràng ngoài việc các ngân hàng thương mại và thị trường tự do hạ mạnh giá mua bảng Anh. Thực tế, trong hai ngày đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm tổng cộng 43 đồng, nhưng tỷ giá mua bán tại các ngân hàng biến động không nhiều.

Ông Đỗ Duy Cường cho rằng, trong cơ cấu thanh toán của Việt Nam, bảng Anh không phải đồng tiền phổ thông, kém thanh khoản so với đô la Mỹ hay euro nên tác động từ Brexit tới thị trường tiền tệ hay tỷ giá là chưa rõ ràng và chưa có dấu hiệu gì cho thấy về mức tác động.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng để “đón đầu” những tác động từ Brexit, Ngân hàng Nhà nước nên có điều chỉnh tỷ giá. Theo nhận định của Công ty chứng khoán MB, áp lực lên tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trong ngắn hạn khi dòng vốn đầu tư bị rút ra và đồng đô la Mỹ mạnh lên.

Tỷ giá trung tâm ngày 28/6 tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp. Ảnh minh họa: TTXVN

Trung Quốc có thể giảm giá nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào EU (khi đồng euro giảm giá). Điều này là gây sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước phải giảm giá VND để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Về vấn đề này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, những diễn biến vừa qua liên quan đến thị trường chỉ là vấn đề là tâm lý, mức độ ảnh hưởng từ Brexit chưa nhiều và chưa nghiêm trọng đến mức phải điều chỉnh tỷ giá. Tất cả những cái đó điều nằm trong “rổ” đã được tính toán.

Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, sức ép bên ngoài hiện nay có rất nhiều. Đồng euro, bảng Anh, nhân dân tệ giảm giá, trong khi đô la Mỹ, yên Nhật tiếp tục tăng giá.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm, trong đó có neo đồng Việt Nam với 8 loại rổ tiền tệ khác nhau, nên mức độ rủi ro của các loại ngoại tệ trong rổ tiền tệ này khi biến động cũng dung hòa với nhau. Do đó, về cơ bản cũng không ảnh hưởng nhiều với tỷ giá trung tâm./.

>>> Brexit sẽ tác động trực tiếp tới ngành dệt may Việt Nam từ quý 4/2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục