Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế tại Anh

14:43' - 11/03/2022
BNEWS Các nhà kinh tế tại Anh cảnh báo việc giá hàng hóa tăng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giảm thu nhập hộ gia đình và khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm.

Theo phóng viên TTXVN tại London, tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo lạm phát của Anh sẽ vượt mức 9%, và giá cả leo thang sẽ khiến thu nhập khả dụng của các hộ gia đình nước này giảm mạnh nhất trong 30 năm qua, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

 

Chuyên gia tại Goldman Sachs, ông Stephen Ball, dự báo lạm phát toàn phần sẽ lên mức đỉnh 9,5% vào tháng 10 thay vì tháng 4, sau đó duy trì trên mức 7% cho đến mùa Xuân năm sau.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát sẽ đạt mức đỉnh 7% vào tháng 4, nhưng từ tuần trước hầu hết các nhà kinh tế đã nâng mức dự báo lạm phát.

Chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính RSM UK, ông Thomas Pugh, cho rằng với giá khí đốt cao, điều kiện tài chính thắt chặt và niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh năm nay có thể thấp hơn từ 0,75 - 1% so với dự báo.

Chuyên gia về kinh tế Anh tại Oxford Economics, ông Andrew Goodwin, cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Anh xuống thấp hơn 0,1% vào năm 2022, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 do giá khí đốt và điện có khả năng tiếp tục tăng vào mùa Thu này.

Tuy nhiên, do căng thẳng Nga-Ukraine, các nhà kinh tế cho rằng các dự báo là không chắc chắn và có thể sẽ liên tục được điều chỉnh.

Chuyên gia kinh tế tại tập đoàn ngân hàng Investec, bà Sandra Horsfield, cảnh báo xung đột càng kéo dài và các lệnh trừng phạt Nga càng lớn, các hoạt động kinh tế của Anh càng chịu tác động mạnh.

Các dự báo tăng trưởng của Anh được điều chỉnh dù nước này có ít liên kết kinh tế với Nga. Khí đốt từ Nga chiếm chưa đến 4% tổng nguồn cung cấp khí đốt của Anh, thấp hơn so với các nước châu Âu khác.

Nga cũng chỉ chiếm 1,3% thương mại hàng hóa của Anh và 0,7% đầu tư nước ngoài của nước này. Tuy nhiên, Anh mua năng lượng và hàng hóa trên thị trường quốc tế, nơi giá cả đang tăng cao.

Ông Goodwin cho rằng tác động chính của cuộc khủng hoảng Ukraine đến nền kinh tế Anh là nguy cơ giá năng giá năng lượng đứng ở mức cao trong thời gian dài.

Chuyên gia kinh tế tại KPMG, bà Yael Selfin, lưu ý không chỉ giá năng lượng tăng do cuộc xung đột mà giá thực phẩm cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Bà cho biết chỉ riêng giá lúa mì cao có thể khiến lạm phát tăng thêm 0,7%, trong khi giá phân bón tăng cũng đang đẩy cao giá lương thực.

Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, ông Paul Dales, cảnh báo mức tăng 55% trong hóa đơn năng lượng của các gia đình mùa Thu này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bằng cách giảm thu nhập thực tế của các hộ gia đình.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn Allianz Research, bà Ana Boata, nhận định mặc dù tình hình tài chính hộ gia đình tốt hơn do chi tiêu thấp hơn bình thường trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, điều này sẽ không bảo vệ nền kinh tế khỏi suy thoái.

Bà lưu ý rằng khoản tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong đại dịch sẽ không đủ để đối phó với tình trạng thu nhập siết chặt do các hóa đơn năng lượng cao.

Các nhà kinh tế đã kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năm nay khi Anh phục hồi sau đại dịch, nhưng hy vọng này đang giảm dần.

Phòng Thương mại Anh đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng xuống 4,4% vào năm 2022, so với mức 6,9% dự báo vào tháng 12 năm ngoái.

Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng đầu tư kinh doanh sẽ giảm mạnh xuống còn 3,5% trong năm nay và cảnh báo nguy cơ suy thoái đang gia tăng.

Ông Suren Thiru, trưởng bộ phận kinh tế Phòng Thương mại Anh, nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine có thể gây nên một cuộc suy thoái kinh tế mới nếu chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn, hoặc lạm phát tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục