Giới chuyên gia thận trọng về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

05:30' - 29/01/2018
BNEWS Theo bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á, hầu hết các nhà kinh tế học Trung Quốc tin rằng tốc độ tăng trưởng của nước này đã duy trì ổn định, vào khoảng 6,5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng ý với quan điểm cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã duy trì ổn định . Ảnh: AFP/TTXVN

Tốc độ này được cho là phù hợp với tiềm năng tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý với quan điểm này và dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2018 và 6,5% năm 2019.

Dù vậy, cũng có những quan điểm ít lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2018. Đầu tư vào tài sản cố định là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nước này trong nhiều năm qua. 

Thời gian gần đây, đầu tư đã trở nên ít quan trọng hơn do Trung Quốc tiến hành điều chỉnh cơ cấu. Đúng như những gì nhà nghiên cứu quốc tế Martin Wolf chỉ ra từ nhiều năm trước, việc duy trì tổng cầu của nền kinh tế khi đầu tư suy yếu sẽ là thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.

Trong ba quý đầu năm 2017, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức thấp (7,8%). Con số này đã có xu hướng đi xuống kể từ cuối năm 2013, và sự suy giảm này đã tăng tốc kể từ nửa cuối năm 2017.  

Trung Quốc đã không ghi nhận tốc độ tăng trưởng đầu tư thấp như vậy trong nhiều thập kỷ. Đầu tư vào tài sản cố định chiếm hơn một nửa trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do đó tầm quan trọng của đầu tư như là động lực tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận.

Liệu có thể thúc đẩy các lĩnh vực khác để bù đắp cho tình trạng đầu tư suy yếu trong năm 2018 hay không? Trong ba quý đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ hộ gia đình hàng năm là 5,9% theo giá trị thực (giảm 0,5% so với năm 2016). Rất khó để mường tượng ra một sự đột biến bất ngờ trong tiêu thụ hộ gia đình trong năm 2018.

Còn đối với xuất khẩu ròng, mặc dù triển vọng tăng trưởng toàn cầu đầy hứa hẹn, nhưng không ai có thể dự đoán các chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có tác động như thế nào đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. 

Bắc Kinh sẽ duy trì một chính sách tài chính “tích cực”, nhưng nó sẽ bị hạn chế bởi những món nợ của chính quyền địa phương, chính sách khẩn cấp về tài chính của chính quyền địa phương và áp lực cắt giảm thuế.

Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc bao gồm ba hạng mục chính: sản xuất, cơ sở hạ tầng và bất động sản. Mặc dù đầu tư sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức đầu tư (30%), nhưng nó đã giảm đáng kể từ năm 2012.  

Trừ khi Trung Quốc đạt được một số bước đột phá trong đổi mới hay cải cách thể chế, ít có khả năng đầu tư sản xuất sẽ tăng lên.

Đầu tư bất động sản đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Sau khi phục hồi mạnh vào đầu năm 2016, nó một lần nữa suy giảm trong năm 2017. Với việc chính phủ quyết tâm kiềm hãm giá nhà, ít có khả năng đầu tư bất động sản sẽ hồi phục trong thời gian tới. 

Hy vọng duy nhất là phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ trọng đầu tư cơ sở hạ tầng trong tổng mức đầu tư đã tăng từ năm 2012 và đang tiến đến gần bằng thị phần của đầu tư sản xuất. 

Dù vậy, việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng có thể đặt giới chức nước này vào thế khó liên quan đến các vấn đề ngân sách, quy định ngặt nghèo hơn, cũng như làm trầm trọng thêm trọng trách phân bổ nguồn lực của chính phủ.

Điều này không có nghĩa triển vọng kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn ảm đạm. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mục tiêu 6,5%, chính phủ có thể sử dụng các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô mở rộng - mặc dù điều này sẽ tạo ra gánh nặng về tài chính trong tương lai.

Một số nhà quan sát nước ngoài nhấn mạnh rằng việc vỡ bong bóng tín dụng tại Trung Quốc và kết quả dẫn đến một khoảnh khắc Minsky (Theo Hyman Minsky, đó là một khoảnh khắc mà hệ thống tài chính di chuyển từ trạng thái ổn định sang trạng thái khủng hoảng) là không thể tránh khỏi.  

Những ý kiến quan ngại này đã không tính đến sự cải thiện tình hình tài chính của Trung Quốc kể từ nửa cuối năm 2016.

Tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đang giảm. Tỷ lệ đòn bẩy của các tập đoàn phi tài chính đã giảm 0,5 điểm phần trăm trong quý III/2016 và vẫn tiếp tục xu hướng này. Trong quý I/2017, tỷ lệ nợ của các tập đoàn công nghiệp trên GDP đã giảm 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016. 

Sau sự điều chỉnh đáng kể trong năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc về cơ bản là ổn định. Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) và tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B) giảm tương ứng từ 54 xuống 19 và 8,5 xuống còn 2,3. Khả năng cổ phiếu trượt giá mạnh ở Trung Quốc là khó xảy ra.

Thị trường nợ của Trung Quốc cũng đã chứng kiến sự ổn định trở lại. Trong năm 2016, có 19 vụ vỡ nợ với giá trị lên tới 28 tỷ NDT (4,32 tỷ USD). Con số này đã giảm xuống 9 vụ với 4,8 tỷ NDT (740 triệu USD) trong năm ngoái. So với quy mô thị trường nợ doanh nghiệp của Trung Quốc, những con số này là không đáng kể. 

Tác giả bài viết khuyến nghị ưu tiên chính sách nên là giảm các đòn bẩy tài chính ngay cả nếu điều này làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi kịch bản lạc quan về tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 là không có gì bảo đảm, giới chức nước này nên cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa rủi ro tài chính. 

Trong dài hạn, Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới do chính phủ phát động cũng như những cải cách cơ cấu gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục