Gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón

17:19' - 27/10/2016
BNEWS Phân bón đang gặp khó với thuế Giá trị gia tăng (VAT), đồng thời đề xuất nên đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT.
Tọa đàm “Gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón”. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Tại tọa đàm “Gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón” do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 27/10, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất khẳng định, phân bón đang gặp khó với thuế Giá trị gia tăng (VAT), đồng thời đề xuất nên đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) Dương Trí Hội, Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón; còn doanh nghiệp khi mua các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón thuế VAT là 10% nên phần chênh lệch do không được khấu trừ doanh nghiệp phải chịu.

Để bù lại chi phí này, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán. Riêng PVFCCo, chi phí tăng thêm cho chính sách này khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Văn Chuyên, Phó trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, phân bón nhập khẩu được giảm 5% thuế VAT dẫn đến gia tăng khoảng cách về giá giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Sự chênh lệch giá này khiến sản xuất trong nước bị đình trệ, sản phẩm không bán được, doanh nghiệp khó khăn.

Hàng năm Công ty Hóa chất Lâm Thao sản xuất 0,28 triệu tấn hóa chất và 1,6 triệu tấn phân bón, vật tư nguyên liệu nhập vào là nguyên liệu thô phải chịu thuế đầu vào từ 5-10% với tổng tiền thuế đầu vào trên 180 tỷ đồng. Sản xuất kinh doanh năm 2015 của công ty đã giảm 30% và dự kiến năm 2016 giảm 45% so với năm trước.

Chỉ trong 9 tháng qua, sản lượng phân bón sản xuất của công ty giảm 6%, sản lượng phân bón tiêu thụ giảm 13%, doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ; kết quả kinh doanh giảm 59% với cùng cùng kỳ năm trước.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, áp dụng Luật 71 đã vô tình làm các sản phẩm phân bón nhập khẩu đã rẻ càng rẻ hơn.

Ông Thúy dẫn chứng, khi Luật 71 có hiệu lực từ đầu năm 2015, nhập khẩu phân ure về Việt Nam lên tới 652.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2014 - khi chưa có Luật này. Điều này khiến nhiều nhà máy phân bón hàng nghìn tỷ đồng của Việt Nam đã và đang bị thiệt hại, giảm sản lượng và có nguy cơ phải đóng cửa.

Cụ thể, Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 550.000 tấn/năm phải giảm còn 150.000 tấn, thiệt hại lên tới 2.042 tỷ đồng; Công ty DAP Đình Vũ thiệt hại 120 tỷ đồng, DAP Lào Cai thiệt hại 125 tỷ đồng; trong đó ảnh hưởng từ Luật 71.

Ông Trần Văn Chuyên, Phó trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Ông Thúy phân tích thêm, đang có sự khác nhau giữa mức thuế VAT 0% và không phải chịu thuế VAT. Một khi nằm trong danh mục chịu thuế VAT (0% hay 5%), doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế VAT đầu ra và được hoàn thuế VAT đầu vào.

Nếu thuế VAT giảm từ 5% còn 0%, doanh nghiệp có thể giảm giá bán phân bón cho người tiêu dùng 5%.

Nhưng với quy định phân bón không phải chịu thuế VAT, cả doanh nghiệp và nông dân đều thiệt bởi doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào buộc phải tính vào giá thành sản phẩm, đẩy giá phân bón lên cao nên rất khó có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công Thương cho rằng, việc không được khấu trừ thuế VAT vào trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, đầu tư đầu vào đang là thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ về một số quy định liên quan đến Luật 71 để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón theo đúng thông lệ Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, để làm được việc này, doanh nghiệp trong nước cần đưa ra được những bằng chứng cụ thể về những thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, mức độ cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh có nhiều vấn đề chứ không đơn thuần từ tác động của Luật 71.

Do đó, cần có đơn vị đứng ra làm đầu mối đánh giá tác động của Luật 71 ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất khó khăn như thế nào và người nông dân đã thực sự hưởng lợi bằng việc giảm 5% thuế VAT từ Luật này chưa?

Để gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi Luật 71/2014/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bù đắp thiệt thòi cho người nông dân và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất.

Đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn cung trong nước với giá thành hợp lý.

Cùng với đó là kiến nghị cho phép áp dụng thực hiện Pháp lệnh số 2042/2002/PL-UBTVQH ngày 25/5/2002 về chính sách tự vệ trong nhập khẩu phân bón và hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ tổ chức cuộc họp với các ngành và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón nhằm nắm bắt tình hình thực tế để đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13.

Ngoài ra, bà Trần Thị Bình, Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) và một số doanh nghiệp khác cũng kiến nghị nên đưa mặt hàng phân bón vào danh mục chịu thuế VAT, ở mức 0% hoặc 5%.

Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và quyền lợi của người nông dân trước sức ép cạnh tranh từ phân bón nước ngoài tràn vào Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục