Gỡ khó trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng trước biến động giá

18:50' - 28/03/2022
BNEWS Ngày 28/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trao đổi khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và giải pháp tháo gỡ với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của nhiều điểm cầu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, hội nghị nhằm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ mới được ban hành vừa qua về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trong năm 2022-2023 và về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

 

Tại các Nghị quyết này, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng được giao nhiều nhiệm vụ nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư công và xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; trong đó có nhiệm vụ quan trọng là giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, gần đây nhất, Bộ đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng. Trên cơ sở các nhiệm vụ của Đề án, từ năm 2018 đến nay, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; hoàn thành việc nghiên cứu, hoàn thiện 13 phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng (quy định tại các Thông tư hướng dẫn)...

Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đã rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng do Bộ Xây dựng công bố, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức; hoàn thành rà soát, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành suất vốn đầu tư cho 1 km đường ô tô cao tốc.

Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đã thực hiện rà soát gần 13.500/17.700 định mức dự toán cho các công tác xây dựng chuyên ngành đã công bố, loại bỏ 1.380 định mức, sửa đổi 8.226 định mức, giữ nguyên 3.811 định mức và dự kiến bổ sung 5.993 định mức.

Hầu hết các địa phương trong cả nước (61/63) đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn;  63/63 tỉnh đã thực hiện khảo sát, công bố giá vật liệu, giá nhân công trên địa bàn tỉnh; 58/63 tỉnh đã ban hành giá ca máy.

Có thể nói, hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng, hợp đồng xây dựng; phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng và các định mức, suất vốn đầu tư được rà soát tổng thể, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới đã bám sát hơn và phục vụ tốt hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, tuân thủ tốt hơn các quy luật kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng nhất là đối với các dự án đầu tư công; góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động, trong khi vẫn tiếp tục hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp như Dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025 nên hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng xuất hiện những bất cập không theo kịp và gây cản trở thực tiễn, cần được tháo gỡ kịp thời - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Đàm Đức Biên thông tin thêm, trên thực tế đang tồn tại 2 nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức, xây dựng, ban hành, áp dụng định mức và việc tổ chức xác định, công bố giá xây dựng tại các địa phương. Trong bối cảnh giá nhiệu liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu biến động theo hướng tăng, khó dự báo nhưng vẫn còn 1 số nơi phương pháp xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng vẫn theo quý nên công bố chậm, chưa kịp thời; không bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát thực tế. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số chủng loại vật liệu xây dựng...

Điều này dẫn đến việc thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí các dự án đầu tư tư xây dựng và điều chỉnh giá trong thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu đang triển khai thực hiện. Thêm một nội dung được quan tâm là quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, tổng mức đầu tư, dự toán công trình xây dựng

Ngoài ra, việc chi phí vật liệu tăng nhanh trong thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021-2025. Với nguồn lực hạn chế, chi phí đầu tư xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh nguồn vốn cũng như kế hoạch đầu tư cho từng dự án. Do đó, đảm bảo thực hiện thành công chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế như đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay... đang đặt ra nhiều thách thức - ông Biên nhận xét.

Tại hội nghị, ông Trần Dương Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc Phòng cho rằng, thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần được tháo gỡ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP Quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị định này tác động lớn đến hoạt động thi công xây dựng.

Cụ thể là việc điều chỉnh lại 1 số mặt hàng liên quan đến nhiên, nguyên vật liệu xây dựng. Do đó, các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước cũng cần được hướng dẫn để vận dụng, áp dụng trong việc xác định dự toán chi phí xây dựng công trình. Một nội dung nữa đang bất cập là giá vật liệu xây dựng tăng cao bất thường thời gian dài gây khó khăn cho nhà thầu thi công các gói thầu theo hình thức trọn gói. Những khó khăn ngày, đề nghị Bộ Xây dựng tập hợp, báo cáo lên Chính phủ để có hướng dẫn giải quyết - ông Phúc đề xuất.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ, ngành nông nghiệp có nhiều nhóm công trình đặc thù và cũng có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đơn cử như giai đoạn xác định tổng mức đầu tư, 1 số định mức cần phải xây dựng định mức mới hoặc điều chỉnh vì quá lạc hậu so với hiện tại. Hay như theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì chỉ được xác nhận sau khi tổng mức đầu tư được phê duyệt. Như vậy, sẽ xác định tổng mức đầu tư bằng cách nào và đây là câu hỏi khó để trả lời.

"Trong giai đoạn lập dự toán xây dựng, đối với các định mức mới hoặc điều chỉnh thì sẽ được đơn vị lập dự toán, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, chủ đầu tư phê duyệt, ra quyết định để áp dụng khi lập dự toán. Nhưng trong qúa trình thi công xây dựng, chủ đầu tư có thể tổ chức khảo sát để chuẩn xác lại các nội dung của định mức trên cơ sở số liệu từ công trình thi công thực tế. Ở đây đang đặt ra vấn đề, như vậy, trường hợp lập sau khi chuẩn xác, nếu có sự thay đổi lớn về hao phí làm ảnh hưởng đến chi phí xây dựng (tăng hoặc giảm) thì có phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hay dự toán xây dựng và đặc biệt là hợp đồng xây dựng hay không" - ông Hải nêu vấn đề và khẳng định, nội dung này nếu không có hướng dẫn kỹ sẽ gây thất thoát vốn của Nhà nước...

Bộ Xây dựng khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội thảo được tiếp thu, tập hợp và làm cơ sở để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp để tháo gỡ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục