Đón dòng vốn, giá bất động sản nhiều nơi vẫn tăng mạnh

15:16' - 22/03/2022
BNEWS Giá bất động sản được điều chỉnh tăng theo mặt bằng chung, lan rộng khắp nơi và tăng trưởng vững chứ không rơi vào cảnh "lên bổng, xuống trầm". Do đó, dư địa tăng giá vẫn còn tốt nếu chọn đúng đích.

Nếu các cơn sốt đất ở chu kỳ trước đây như giai đoạn 2018-2019 chỉ cục bộ theo khu vực thì từ đầu năm 2021 cho đến hiện tại, giá bất động sản đang tăng và lan ra nhiều địa bàn trên toàn quốc. Điều này đã tạo ra một mặt bằng giá mới với nhiều khu vực đượng "xướng tên".

Trên thực tế, bàn về hiện tượng "sốt đất", các chuyên gia cũng đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. Có người cho đó là xu hướng tất yếu, giá được điều chỉnh theo mặt bằng chung và sự tăng trưởng có tính bền vững chứ không rơi vào cảnh "lên bổng, xuống trầm", đẩy đến tình trạng "bong bóng" trên thị trường bất động sản. Do đó, cơ hội đầu tư vào bất động sản vẫn còn dư địa tốt nếu chọn đúng đích.

Trên thực tế, giai đoạn này đang là thời của bất động sản vùng ven. Ngay cả những khu vực xa như Lâm Đồng cũng nhận được hiệu ứng "nóng". Bất chấp tác động của dịch bệnh và những suy giảm về kinh tế, các chuyên gia cho rằng, giá bất động sản nhiều nơi đang tăng mạnh. Đặc biệt, bất động sản gắn liền với nhà đất đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.   

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở của Công ty CBRE Việt Nam dẫn chứng, báo cáo của CBRE cho thấy, kể từ quý I/2021 đến nay, tình trạng tăng giá đất đã lan rộng hơn rất nhiều. Giai đoạn 2018-2019, khu vực "sốt" chỉ tập trung vào các vùng giáp ranh đô thị trung tâm hoặc bám sát các dự án quy mô lớn.

Còn từ dịp cuối năm 2021 đến nay, giá đất đã tăng trên bình diện rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đơn cử như khu vực cận các thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai và tiến xa ra Bình Phước, Tây Ninh, Phan Thiết. Tại khu vực miền trung Tây nguyên có Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Lắk; miền Bắc tương tự có Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên...

Theo ông Kiệt, có nhiều yếu tố tạo nên "sốt đất". Hai năm trở lại đây, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 nhưng tốc độ phát triển kinh tế vẫn ổn định. Nhiều kế hoạch đầu tư công được công bố kèm theo thông tin điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch chung, hạ tầng...

Do đó, nhiều nhà đầu tư đã chủ động nắm bắt và đón đầu xu hướng này. Dòng vốn từ các nhà đầu tư đổ vào thị trường khiến giá đất "nhảy múa" và tăng cao. Cùng đó, trước cảnh báo về bối cảnh lạm phát có thể diễn ra, các nhà đầu tư cũng muốn tìm kênh đầu tư giữ tài sản và bất động sản chính là phân khúc được lựa chọn.

Chị Thanh Hằng - Kim Mã (Hà Nội) chia sẻ, bất động sản là kênh đầu tư được nghĩ đến. Bởi theo chị Hằng, mua bán giao dịch đất nền được chị lựa chọn vì nhu cầu đầu tư luôn ở mức cao nên giao dịch thuận lợi, thanh khoản dễ dàng. Đặc biệt, dư địa tăng vẫn còn, tùy theo khu vực.

Hiện nay, nhiều địa phương triển khai hàng loạt dự án thu hút cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại rót vốn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp... Dù du lịch bởi ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng đang lấy lại đà phục hồi, nhất là với quyết định mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Đây cũng là yếu tố khiến giúp giúp các nhà đầu tư thuận lợi khi vào Việt Nam tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án, tiếp thêm sinh khí cho thị trường bất động sản thời gian tới.

Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh nhận xét, giai đoạn 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng số lượng tài khoản chứng khoán đã đạt đến mốc khoảng 4 triệu tài khoản cá nhân; trong đó, riêng năm 2021 số tài khoản mở mới là hơn 1,3 triệu.

Đáng chú ý, tổng quy mô tài sản chứng khoán đã đạt khoảng 123% GDP, tăng thêm 43% trong năm 2021 từ mốc 80% của năm 2020. Thậm chí, có những phiên giao dịch của thị trường đạt tới 50 nghìn tỷ đồng. Thị trường chúng khoán trong giai đoạn chuyển tiếp từ mới nổi sang cận biên, đón nhận nguồn vốn lớn từ tổ chức nước ngoài - ông Chánh phân tích

Xét về chỉ số VN-Index, riêng 2021 đã tăng gần 400 điểm trong vòng 1 năm lên gần 1.500 điểm. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, nguồn lực trong dân vẫn rất lớn. Cùng đó, sau mỗi năm, tốc độ GDP/đầu người của Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng.

"Rõ ràng, nguồn lực trong dân thể hiện qua thị trường chứng khoán rất mạnh. Trên thực tế, thị trường chứng khoán và bất động sản là bình thông nhau, đã được chứng minh qua nhiều chu kỳ tăng trưởng của cả hai thị trường này. Và sau mỗi chu kỳ tăng trưởng, cứ khi thị trường chứng khoán có đợt tăng ấn tượng, lịch sử thì bất động sản sẽ hưởng lợi" - ông Chánh dẫn chứng.

Bởi vậy, đầu năm 2022, rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã nhanh chóng chuyển một phần lợi nhuận sau khi gặt hái thành công từ mức tăng tính bằng vài lần trong năm 2021 để chuyển vốn sang thị trường bất động sản nhằm giảm bớt rủi ro. Họ cũng kỳ vọng sẽ thu được sự tăng trưởng có tính bền vững cao hơn ở phân khúc bất động sản.

Tại các đô thị lớn, việc triển khai nguồn cung mới vấp phải "rào cản" chính sách nên "dậm chân tại chỗ" trong vài năm trở lại đây. Do đó, nguồn cung trên bị thu hẹp, trong khi nguồn tiền lại đang đổ vào thị trường. Bởi vậy, một số địa bàn mới nổi, ở các tỉnh lân cận đô thị trung tâm đang là địch ngắm của nhiều chủ đầu tư lớn. Đây cũng chính là xu hướng chuyển dịch của làn sóng đầu tư để tạo ra nguồn cung đa dạng hơn và mức giá phù hợp.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, bà Đỗ Hương Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Property X của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho rằng, những cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản vẫn rất lớn, tuy nhiên nhà đầu tư nên chú trọng yếu tố an toàn và bền vững.

Theo bà Giang, năm 2022, các nhà đầu tư cần cân nhắc khi tham gia thị trường. Yếu tố được bà Giang khuyến cáo là an toàn và bền vững. Đơn cử như phân khúc bất động sản tại các dự án nằm ở khu vực "vệ tinh" như hồ Tràm (Vũng Tàu), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa)... với nhiều dòng sản phẩm đa dạng cũng là một đề cử nên cân nhắc bởi sẽ đáp ứng được những yếu tố này.

Còn đối với phân khúc đất nền tại các tỉnh vùng ven, phần lớn nhà đầu tư sau khi trải nghiệm cùng với kinh đầu tư thì sẽ chọn những sản phẩm có quy hoạch rõ ràng được chính quyền xác nhận hay quy hoạch dự án của chính chủ đầu tư với tình hình tài chính doanh nghiệp ổn định, có kế hoạch đầu tư dài hạn..., bà Giang nhấn mạnh.

Trước đây, những nhà đầu tư F0 thường kỳ vọng vào sản phẩm có khả năng sinh lời cao, thậm chí chấp nhận mạo hiểm. Nhưng khi có kinh nghiệm và tích lũy thì yếu tố đầu tiên cần chú ý đến chính là tính pháp lý và an toàn của dòng vốn khi đổ vào sản phầm bởi đã qua thời mua bất chấp và mạo hiểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục