Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 1: Từ đề xuất của một ngân hàng

14:52' - 13/03/2019
BNEWS Quy mô của dự án gần 10.000 tỷ đồng này được triển khai nhờ sự vào cuộc tích cực của một ngân hàng thương mại.

Trước việc ngập lụt, kịch bản nước biển dâng đang là thách thức lớn đối với Tp. Hồ Chí Minh, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho thành phố bằng chủ trương thực hiện nhiều dự án chống ngập quy mô lớn; trong đó, có dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với quy mô vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư (Trung Nam Group).

Cống ngăn triều Phú Xuân (huyện Nhè Bè) thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Lãnh đạo Trung ương cũng như lãnh đạo và người dân Tp. Hồ Chí Minh đang kỳ vọng dự án sẽ góp phần quan trọng giảm ngập, cải thiện đời sống cho hàng chục triệu người dân thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc khiến dự án bị đình trệ hơn nửa năm nay. Vì vậy, cần sớm có giải pháp khắc phục để dự án hoàn thành, phát huy tác dụng như mục tiêu đề ra.
Bài 1: Từ đề xuất của một ngân hàng
Nhằm triển khai các giải pháp cơ bản cho việc hạn chế tình trạng ngập lụt trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27/5/2016, UBND Tp. Hồ Chí Minh, Trung Nam Group và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 ký Hợp đồng BT số 2607/2016/HĐ-UBND (gọi tắt là Hợp đồng BT 2607) dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.

Quy mô của dự án gần 10.000 tỷ đồng này được triển khai nhờ sự vào cuộc tích cực của một ngân hàng thương mại.
Tổng vốn đầu tư dự án được xác định vào thời điểm ký kết là 9.926 tỷ đồng, nhà đầu tư chịu trách nhiệm huy động toàn bộ tổng vốn đầu tư dự án; trong đó, dùng vốn chủ sở hữu là 1.068 tỷ đồng, số tiền 8.858 tỷ đồng còn lại vay ngân hàng.

Khi dự án kết thúc, UBND Tp. Hồ Chí Minh phải thanh toán cho nhà đầu tư quỹ đất tương đương 1.588 tỷ đồng; đồng thời ngân sách phải hoàn trả 8.338 tỷ đồng, bao gồm 7.270 tỷ đồng tiền gốc huy động và 1.036 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Tp. Hồ Chí Minh.

Về quy mô, dự án xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, bề rộng cống từ 40 – 160m, cao trình đáy cống từ -3,6m đến – 10m. Dự án cũng xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh giai đoạn 1 (dài 7,8km), 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 1 – 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối…
Để có được hợp đồng BT này, các bên đã trải qua nhiều công đoạn, vừa thực hiện nghĩa vụ quyền lợi của mình nhưng cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết.

Tờ trình số 138/TTr-NHNN ngày 9/9/2016 của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện nhiều vấn đề liên quan đến quá trình “thai nghén” dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng mà điểm đáng chú ý là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (gọi tắt là BIDV), vào thời điểm này lại đề xuất làm dự án chống ngập cho Tp. Hồ Chí Minh cùng nhiều kiến nghị liên quan, tạo không ít hoài nghi dư luận.
Theo đó, ngày 8/4/2015, BIDV có văn bản số 169/BIDV-HĐQT và văn bản số 170/BIDV-HĐQT trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc cho vay giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Đặc biệt, BIDV đề xuất việc cho vay dự án, kiến nghị Thủ tướng
Chính phủ thống nhất về chủ trương giao Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tín dụng thông qua BIDV; tái cấp vốn cho BIDV để có nguồn vốn cho vay nhà đầu tư thực hiện dự án chống ngập theo hình thức đầu tư – chuyển giao (BT), lãi suất tái cấp vốn theo lãi suất ưu đãi có cộng một khoản phí cho BIDV, chỉ định BIDV là ngân hàng duy nhất cung ứng vốn cho dự án…
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự án đã được triển khai từ trước theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 và được giao cho nhiều bộ, ngành và địa phương thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai dự án có nhiều tồn tại, vướng mắc như tổng mức đầu tư thay đổi, nhiều chủ đầu tư cùng thực hiện, bố trí nguồn vốn khó khăn.

Về nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhiều nguồn khác nhau như ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa có nguồn vay ngân hàng.
Đáng chú ý, BIDV đã liên tiếp có các văn bản trình Chính phủ, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc UBND Tp. Hồ Chí Minh và BIDV đã thống nhất cụ thể một số vấn đề về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định (chỉ có Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam quan tâm dự án).
Ngân hàng BIDV đã kiến nghị Thường trực Chính phủ sớm chủ trì làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh, các bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước và BIDV trong tháng 7/2015 để có kết luận chỉ đạo đảm bảo dự án được triển khai kịp thời.
Trên cơ sở đó, ngày 8/7/2015 Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với Thường trực Chính phủ. Tại cuộc họp này, UBND Tp. Hồ Chí Minh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo về tình hình thực hiện dự án và các vướng mắc triển khai, BIDV trực tiếp báo cáo thực trạng dự án, phương án đề xuất và kiến nghị Chính phủ thực hiện dự án.
Ngày 20/8/2015, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 285/TB-VPCP truyền đạt nội dung Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 để triển khai một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc Quy hoạch thoát nước và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Tp. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý sử dụng vốn vay của BIDV để thực hiện các dự án nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc cho vay tái cấp vốn đối với BIDV với mức lãi suất cho vay tái cấp vốn thấp nhất.
Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý UBND Tp. Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, Tp. Hồ Chí Minh được thanh toán bằng ngân sách thành phố với phần chênh lệch, được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đến đây, dư luận không khỏi băn khoăn về việc, ngoài hoạt động của một tổ chức tín dụng, BIDV lại tham gia “khá sâu” vào quá trình triển khai dự án mà đáng lẽ, phần việc này phải do Tp. Hồ Chí Minh thực hiện ngay từ những thủ tục đầu tiên.
Đến ngày 27/5/2016, UBND Tp. Hồ Chí Minh ký hợp đồng BT với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (gọi tắt là Trung Nam Group), tiếp theo ngày 15/8/2016, BIDV ký hợp đồng tín dụng với Trung Nam Group.
Tuy nhiên, theo Tờ trình số 138/TTr-NHNN ngày 9/9/2016 của Ngân hàng Nhà nước, do tại hợp đồng BT, UBND Tp. Hồ Chí Minh mới thống nhất về các nguồn thanh toán dự toán tuy nhiên chưa nêu rõ lộ trình thanh toán và thực tế sau khi hoàn thành công trình thì giá trị quỹ đất thực tế có nhiều thay đổi so với dự kiến ban đầu vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các đơn vị liên quan sớm thống nhất về lộ trình thanh toán dự án để đảm bảo việc thu hồi khoản tái cấp vốn phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Bài 2: Làm rõ pháp lý hợp đồng BT

Bài 3: Sai sót lớn trong triển khai

Bài cuối: Sớm tái khởi động dự án

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục