Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài cuối: Sớm tái khởi động dự án
Đây là dự án trọng điểm, phục vụ hơn 6,5 triệu người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nên cần gấp rút tháo gỡ vướng mắc để dự án tiếp tục triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng kỳ vọng của hàng triệu người dân thành phố.
Theo Trung Nam Group, tính từ lúc triển khai đến khi dự án tạm dừng, dự án đã thực hiện được 72% khối lượng, tương đương tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Trong khi đó, Tư vấn giám sát hợp đồng chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi là 803 tỷ đồng; vẫn còn 1.384 tỷ đồng chưa được giải ngân khiến dự án bị đình trệ. Nguyên nhân là do Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân cho dự án do UBND Tp. Hồ Chí Minh chưa ký xác nhận đầy đủ của các kỳ báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định 2240/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Liên quan đến việc giải quyết các vướng mắc, phát sinh dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trì cuộc họp trong thời gian sớm nhất với các Bộ, ngành liên quan, Tp. Hồ Chí Minh và Ngân hàng BIDV để giải quyết các khó khăn tồn tại, đảm bảo dự án triển khai đúng quy định, đáp ứng tiến độ, đạt chất lượng. Trước phản ánh của Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng về nhiều tồn tại, sai phạm của dự án, vào ngày 1/12/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, xác minh các vấn đề mà Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng nêu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Đồng thời khẩn trương chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để triển khai dự án theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng hiệu quả. Về phần mình, để tạo điều kiện thuận lợi cho tái khởi động dự án và sớm hoàn thành công trình đưa vào vận hành, khai thác, UBND Tp. Hồ Chí Minh thống nhất điều chỉnh thiết kế cơ sở, điều chỉnh thiết kế đoạn kè thuộc hạng mục cống Bà Bướm, quận 7; giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các quận huyện thực hiện thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với vấn đề sử dụng vật liệu thép Trung Quốc, vừa qua UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công Thương kiểm định, đánh giá việc thay đổi vật liệu thép chế tạo cửa van dự án theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, do tình hình triển khai dự án không đảm bảo hoàn thành vào ngày 26/6/2019 theo Hợp đồng BT, UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu báo cáo đề xuất Thường trực UBND thành phố, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc gia hạn thời gian tái cấp vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án. Trong khi đó, sau khi kiểm toán chỉ ra nhiều vi phạm tại dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Công ty TNHH Trung Nam BT1547 hoàn tất các thủ tục xuất hoá đơn giá trị gia tăng đầu ra, kê khai và nộp thuế theo quy định với số tiền gần 283 tỷ đồng; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư làm cơ sở theo dõi và quản lý chi phí đầu tư.Thương thảo với các nhà thầu thi công ký phụ lục hợp đồng bổ sung về điều chỉnh giá làm cơ sở điều chỉnh hợp đồng theo quy định tại gói thầu XD03; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu xây lắp đảm bảo tiến độ chung của dự án; phối hợp với UBND Tp. Hồ Chí Minh làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và BIDV để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn nhằm giảm chi phí đầu tư và giảm chi ngân sách nhà nước cho Tp. Hồ Chí Minh.
Đối với nhà đầu tư là Trung Nam Group, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, việc thực hiện góp đầy đủ vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án đúng hạn theo cam kết tại Hợp đồng BT; điều chỉnh các nội dung chi phí đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế của dự án, trình UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu nhà đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát lại các chi phí thuộc tổng mức đầu tư; thực hiện phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh và dự toán các tuyến kè số 1, 2, 3, 4 thuộc gói thầu XD 01, bờ kè dọc sông Sài Gòn; thẩm tra giá vật liệu, vật tư, thiết bị không có trong thông báo của UBND Tp. Hồ Chí Minh được đưa vào thi công lắp đặt cho dự án.
UBND thành phố cũng báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất về chủ trương đầu tư dự án, việc sử dụng đất và thu hồi đất cũng như các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư.Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành xác định giá trị đất của dự án khác dự kiến bàn giao cho nhà đầu tư theo hướng đấu giá đất, làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị UBND thành phố đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, xây dựng kế hoạch vốn thanh toán cho ngân hàng cho phù hợp, tránh xảy ra nợ xấu ngân hàng.
Để tìm hướng giải quyết khó khăn cho dự án này, ngày 12/3 vừa qua, Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND thành phố đã đi khảo sát thực địa và làm việc với chủ đầu tư dự án. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, dự án chống ngập có vai trò hết sức quan trọng trong việc chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố với 6,5 triệu người. Dự án đã hơn 6 tháng phải tạm dừng cục bộ, cần phải sớm tăng tốc giải quyết thủ tục để khởi động lại dự án. Về vấn đề khởi động lại dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho biết, dự án đang gặp một số khó khăn; trong đó có việc giải ngân vốn vay và bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, thiết bị chính của dự án theo tiêu chuẩn châu Âu đã được nhập về nhưng đang nằm ở cảng trong nhiều tháng nay. Nếu thành phố có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trong tháng 6/2019, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án cuối năm 2019 vì hiện tổng khối lượng dự án đã thực hiện được là 72%. Tháo gỡ khó khăn về đơn giá đền bù, hỗ trợ khi thu hồi mặt bằng giao cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Thiện Nhân giao UBND thành phố áp dụng Quyết định 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố; đồng thời, làm việc với Ngân hàng Nhà nước và BIDV để gia hạn thời gian giải ngân vốn cho dự án. “Chủ đầu tư cam kết hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2019 nếu có mặt bằng trong tháng 6/2019, nên từ tháng 1/2020 UBND thành phố phải chủ động nghiệm thu dần, thuê đơn vị vận hành dự án sau khi hoàn thành”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ./.Bài 1: Từ đề xuất của một ngân hàng
Bài 2: Làm rõ pháp lý hợp đồng BT
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tp Hồ Chí Minh và bài toán gỡ “chiếc áo" đô thị chật hẹp
17:09' - 13/02/2019
Tp. Hồ Chí Minh tái cấu trúc lại không gian đô thị, gỡ bỏ “chiếc áo" chật hẹp để phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục đảm nhận vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
-
Bất động sản
Đằng sau các dự án BT chỉ định nhà đầu tư - Bài 1: Thăng trầm dự án “khủng”
07:36' - 20/01/2019
Ngay từ “bước đi chập chững” trong hình thức đầu tư công mới mẻ này đã bộc lộ hàng loạt yếu kém trong quản lý của cơ quan Nhà nước.
-
Tài chính
Năm 2019: Tập trung kiểm toán các dự án lớn, gây thất thoát lãng phí
17:53' - 14/01/2019
Hoạt động kiểm toán năm nay sẽ đi vào chiều sâu và tập trung vào các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề gây nhiều thất thoát, lãng phí...
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
08:36'
Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường, trong đó có việc thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu xanh - Bài cuối: Từ cam kết tới hành động
08:34'
Xuất khẩu xanh đang trở thành động lực mới cho thương mại toàn cầu khi nhiều nền kinh tế lớn đẩy mạnh chiến lược giảm phát thải và phát triển bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu xanh - Bài 3: Áp lực cho chuỗi giá trị
08:24'
Các thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang chuyển hướng mạnh mẽ sang tiêu dùng các sản phẩm được sản xuất theo hướng xanh và bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu xanh - Bài 2: Lựa chọn sống còn để tiến xa hơn
08:10'
Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp dệt may, da giày đã chia sẻ về mô hình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có bước tiến xa hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu xanh - Bài 1: Bắt nhịp "cuộc chơi" toàn cầu
08:08'
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài viết về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số với những bài học thực tế và những giải pháp để các nhà xuất khẩu của Việt Nam tiến xa hơn trong "cuộc chơi" toàn cầu.
-
Kinh tế Việt Nam
Nghị quyết 57: Nắm bắt cơ hội đột phá từ ngoại giao khoa học và công nghệ
21:49' - 16/02/2025
Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
-
Kinh tế Việt Nam
Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách
16:07' - 16/02/2025
Năm 2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 81.218 tỷ đồng, gồm: 71.284 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2025 và 9.394 tỷ đồng từ nguồn vượt thu tiết kiệm chi năm 2022.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất giải pháp để công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
16:06' - 16/02/2025
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo.
-
Kinh tế Việt Nam
Tinh gọn bộ máy: Nhanh chóng kiện toàn, triển khai công tác theo mô hình tổ chức mới
11:12' - 16/02/2025
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thảo luận ở tổ ngày 13/2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước là điều người dân mong đợi từ lâu.