Góc khuất phía sau cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc IMF

05:30' - 20/07/2019
BNEWS Cuộc đua giành chiếc ghế Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang nóng dần, sau khi Tổng Giám đốc đương nhiệm Christine Lagarde đệ đơn từ chức trong ngày 16/7.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: THX/TTXVN

Trang Interpreter vừa đăng bài viết của tác giả Mike Callaghan, cộng tác viên của Viện nghiên cứu Lowy (Australia), trong đó phân tích về cuộc đua giành ngôi vị cao nhất tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và những góc khuất phía sau quy trình tuyển chọn vị trí này.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đệ đơn từ chức trong ngày 16/7 và bà Lagarde cho biết quyết định trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12/9. Theo các nguồn tin thân cậy, quyết định này được đưa ra sau khi bà Lagarde ngày 2/7 vừa qua được chỉ định làm Chủ tịch mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Năm 1945, khi thành lập hệ thống Bretton Woods - “cha đẻ” của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) - một thỏa thuận không chính thức giữa châu Âu và Mỹ đã được thông qua. Theo đó, chức vụ cao nhất của IMF sẽ do người châu Âu nắm giữ và vị trí tương ứng tại WB sẽ thuộc về người Mỹ. 

Thỏa thuận này được duy trì trong suốt nhiều năm, bất chấp áp lực yêu cầu cấu trúc quản trị của các thể chế quốc tế này cần được thay đổi cho phù hợp với sự phát triển kinh tế thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh tầm quan trọng của các thị trường mới nổi ngày càng gia tăng.

Những tranh cãi và vận động hành lang về việc ai sẽ tiếp quản vị trí của bà Lagarde đã dần xuất hiện. Quan điểm phổ biến là vị trí đó lại thuộc về một người châu Âu. Thỏa thuận bất thành văn nêu trên đã được tiếp tục với việc bổ nhiệm ông David Malpass, một người Mỹ, nắm quyền Chủ tịch WB. Do đó, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ ủng hộ một người châu Âu lên nắm quyền tại IMF.

Các ứng cử viên châu Âu gồm có Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sắp mãn nhiệm Mark Carney (công dân Canada, có hộ chiếu Ireland) và Benoit Coeure đến từ Pháp, thành viên Ban điều hành ECB. 

Ngoài ra, còn có một số ứng cử viên khác như Chủ tịch ECB sắp mãn nhiệm Mario Draghi (người Italy), Tổng Giám đốc WB Kristalina Georgieva (người Bulgaria), Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank Jens Weidmann, và Giám đốc trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London Minouche Shafik (người Anh/Mỹ gốc Ai Cập), và nhiều nhân vật khác.

Một số ứng cử viên không phải là người châu Âu cũng đã được đề cập đến như những ứng cử viên tiềm năng. Agustin Carsten là một trong những cái tên như vậy. Ông Carsten (người Mexico) là Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). 

Bên cạnh đó, còn có những cái tên khác như Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch Cơ quan quản lý Tiền tệ (MAS, ngân hàng trung ương) của Singapore, hay cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan...

Nhưng hầu hết các cuộc thảo luận về những ứng cử viên tiềm năng lại thường tập trung bình luận về quốc tịch của họ, mà không phải là những gì họ có thể đóng góp trong vị trí này. Ví dụ, khi đề cập tới Mark Carney, trọng tâm của câu chuyện là ông có đủ tư cách là người châu Âu hay không vì Mark Carney sở hữu hộ chiếu Ireland (giống như nhiều công dân Anh khác sẽ rời bỏ châu Âu trong một ngày không xa). 

Hay một công dân Pháp khác là Benoit Coeure hoặc Bruno Le Maire có nên ứng cử khi cả hai Tổng Giám đốc trước đó đều là người Pháp? Hay ứng cử viên từ Trung Âu (Kristalina Georgieva) có thể nhận được sự ủng hộ từ phần còn lại của châu Âu? Tương tự, công dân Anh George Osborne có thực sự là một ứng cử viên châu Âu sau khi Anh rời EU (Brexit)? Vấn đề của Mario Draghi là ông đã 71 tuổi, vượt ngưỡng quy định của IMF. 

Đối với những ứng cử viên không phải người châu Âu, bất lợi lớn nhất của họ chính là họ không phải là người châu Âu. Các thị trường mới nổi lâu nay không ủng hộ các ứng cử viên từ chính các thị trường mới nổi. 

Khi Dominique Strauss-Kahn thôi giữ chức Tổng Giám đốc IMF vào năm 2011, đã có hai ứng cử viên lúc đó là bà Christine Lagarde và ông Agustin Carsten. Nhưng, ông Carsten đã không nhận được sự ủng hộ từ các thị trường mới nổi ngoài Mexico. Duy nhất có Australia và Canada là những nền kinh tế lớn ủng hộ Carsten. Thật khó để có được sự ủng hộ của các thị trường mới nổi cho một ứng cử viên như vậy trong “cuộc đua” này.

Trong khi cuộc đua vẫn đang diễn ra, IMF tiếp tục theo đuổi ảo tưởng về một quy trình tuyển chọn mở và dựa trên năng lực. Ban điều hành IMF “mơ” rằng mình sẽ đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến cho rằng cần phải cải tổ công việc quản trị của IMF, năm 2016, Ban Điều hành IMF tuyên bố đã thông qua một quy trình mở để lựa chọn Tổng Giám đốc. Ban Điều hành sẽ lập ra một danh sách “rút gọn” và các ứng cử viên trong danh sách này sẽ được đánh giá dựa trên năng lực. 

Sau đó, họ sẽ chọn ra một người, bằng cách đồng thuận hoặc bỏ phiếu đa số. Về mặt lý thuyết, điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế các thỏa thuận chính trị phía sau hậu trường sẽ được thực hiện trước khi Ban Điều hành IMF tiến hành việc lựa chọn của mình.

Mục tiêu của việc lựa chọn là xác định ai là người phù hợp nhất cho vị trí này, một vị trí khó khăn nhưng hết sức quan trọng. Chris Hafner, từ công ty dịch vụ chuyên nghiệp Grovelands, cho biết Tổng Giám đốc IMF phải là “một nhà truyền thông giỏi trong cả lĩnh vực chính trị và truyền thông, và có khả năng nhìn xa trông rộng về thị trường và chính sách tài khóa”.

Bà Lagarde được coi là một Tổng Giám đốc thành công, mặc dù vấp phải không ít chỉ trích. Peter Doyle, một cựu nhân viên IMF, nói rằng người kế nhiệm của bà Lagarde sẽ phải giải quyết một mớ hỗn độn mà bà để lại, đặc biệt là khoản vay trị giá 56 tỷ USD cấp cho Argentina. Theo ông Doyle, tiêu chí chọn người đứng đầu IMF sắp tới là “không phải người châu Âu, không phải chính trị gia và không phải là người nghiệp dư”.

Mặc dù IMF còn rất nhiều thiếu sót, nhưng bà Lagarde đã chứng mình rằng người đứng đầu IMF phải có kỹ năng chính trị, ngoại giao và giao tiếp tốt và có sự hiện diện quốc tế quan trọng. 

Tổng Giám đốc IMF có địa vị ngang với người đứng đầu một đất nước, và phải sánh vai cùng với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế công nghiệp lớn, các thị trường mới nổi, cũng như các nền kinh tế nhỏ và nghèo nhất, và phải có các kỹ năng xây dựng sự đồng thuận trong mọi hoàn cảnh khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục