Gọi vốn cho tài trợ xanh: Không chỉ có “màu hồng”

17:05' - 29/08/2024
BNEWS Sau thời gian chững lại do mặt bằng lãi suất neo cao, dòng vốn xanh có xu hướng chảy mạnh trở lại vào doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở những doanh nghiệp có chiến lược tăng trưởng bền vững rõ ràng.

Việc huy động vốn xanh từ các định chế tài chính nước ngoài được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới qua đó góp phần thực hiện mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050 của Chính phủ.

* Vốn xanh vẫn chảy mạnh

Công ty CP Phúc Sinh - một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê và hạt tiêu hàng đầu Việt Nam vừa công bố nhận được khoản tài trợ vốn lên tới 25 triệu USD từ Quỹ đầu tư &GREEN (Hà Lan) để phát triển chuỗi giá trị cà phê bền vững không tàn phá rừng.

Quỹ &GREEN được quản lý bởi SAIL Investments, một nhà quản lý đầu tư bền vững toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp trên toàn thế giới có thể chứng minh việc tách rời sản xuất hàng hóa khỏi việc tàn phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học trong khi vẫn đảm bảo tính hòa nhập vào xã hội. Phúc Sinh là công ty đầu tiên ở Việt Nam và là công ty thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á được quỹ này rót vốn đầu tư.

Theo bà Natalia Pasishnyk, Giám đốc Phát triển bền vững của Quỹ &GREEN, sở dĩ quỹ này đầu tư vào Phúc Sinh vì công ty có hệ thống tài chính minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo của Phúc Sinh hiểu rõ về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và có hệ sinh thái, chiến lược phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu đầu tư của quỹ. Quỹ &GREEN tin rằng sự hợp tác này sẽ đưa Phúc Sinh cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, kể từ khi thỏa thuận đầu tư được xác định đến thời điểm giải ngân vốn chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã có nền tảng và chiến lược phát triển bền vững một cách cụ thể, rõ ràng và do đó tạo sự tin tưởng để nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn ngay.

Nhìn lại quá trình phát triển của doanh nghiệp này cho thấy, phát triển bền vững không chỉ là chiến lược được Phúc Sinh xây dựng trong vài năm gần đây, mà đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp xác định và theo đuổi trong suốt 14 năm qua. Đến nay, công ty này đã đạt được hơn 20 chứng chỉ liên quan đến phát triển bền vững. Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới như: EY, KPMG, PwC…

Thực tế cũng cho thấy, khi doanh nghiệp chủ động theo đuổi chiến lược phát triển bền vững sẽ dễ dàng nhận được các khoản tài trợ thương mại xanh từ các định chế tài chính quốc tế. Chẳng hạn như tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX), vào tháng 4/2024 đã nhận được khoản tài trợ thương mại xanh từ Ngân hàng UOB Việt Nam. Khoản tín dụng này sẽ giúp Betrimex nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic, bao gồm chứng chỉ Fairtrade.

Theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, việc áp dụng tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như Fairtrade sẽ giúp Betrimex đóng góp tích cực hơn cho cho môi trường và cộng đồng, đặc biệt là đảm bảo đời sống, sinh kế của người dân trồng dừa, ổn định vùng nguyên liệu. Từ đó, thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tạo ra giá trị kinh tế to lớn hơn.

Cuối tháng 5/2024, Công ty CP Gemadept – một doanh nghiệp khai thác cảng và logistics đầu tiên cũng nhận được khoản tài trợ tín dụng liên kết bền vững từ Ngân hàng HSBC Việt Nam. Để tham gia vào khoản vay này, không chỉ có kết quả kinh doanh khả quan, Gemadept đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng bền vững của HSBC; đồng thời xây dựng những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong chiến lược phát triển xanh và bền vững của mình.

Theo đó, Gemadept đang và sẽ hoàn thành việc đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính tại các cảng theo phạm vi 1, 2, 3; đồng thời cần đạt được các Tiêu chuẩn cơ sở về Tiêu chí cảng xanh Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành.

 

* Không hẳn là “màu hồng”

Việc nhiều dự án, doanh nghiệp Việt được rót vốn kể từ đầu năm đến nay cho thấy thị trường tài trợ vốn xanh ở Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục tích cực hơn, sau thời gian chững lại do mặt bằng lãi suất đồng USD neo cao.

Theo Ngân hàng Thế giới, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040; trong đó dự kiến một nửa sẽ đến từ khu vực tư nhân. Do đó, việc doanh nghiệp có thể huy động dòng vốn ngoại cho các dự án xanh sẽ phần nào hỗ trợ Việt Nam tiến gần đến mục tiêu về phát thải ròng.

Tuy nhiên, câu chuyện tiếp cận được dòng tài chính xanh quốc tế không phải chỉ có “màu hồng”, đó còn là những cam kết, quy định mà doanh nghiệp phải đáp ứng thực hiện. Thậm chí, với các khoản tài trợ xanh, doanh nghiệp phải trả chi phí vốn đắt đỏ hơn so với nguồn vốn vay trong nước. Chưa kể, chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD thời gian qua cũng gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp có khoản nợ nước ngoài.

Dù mức lãi suất không được công bố, song ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ, chi phí huy động vốn từ Quỹ &GREEN đắt hơn so với việc doanh nghiệp tiếp cận vốn ở các ngân hàng trong nước. Bù lại, với sự song hành của một quỹ đầu tư tài chính quốc tế lớn sẽ giúp Phúc Sinh có nền tảng tài chính minh bạch, từ đó giúp công ty có thể tiếp cận với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước dễ dàng.

“Quan trọng hơn, sự hợp tác này sẽ giúp Phúc Sinh tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững, từ đó mang lại giá trị lâu dài cho cả công ty và xã hội; đồng thời góp phần dịch chuyển văn hóa trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam”, ông Thông cho hay.

Hầu hết các doanh nghiệp vẫn hướng mục tiêu tiếp cận vốn từ các định chế tài chính nước ngoài. Bởi lẽ, bên cạnh tiếp sức về mặt tài chính, các định chế tài chính thường “sát cánh” cùng doanh nghiệp trong việc cải thiện hệ thống báo cáo tài chính theo hướng minh bạch hơn, hỗ trợ doanh nghiệp một số vấn đề mang tính kỹ thuật trong quá trình phát triển bền vững. Điều này giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần lưu ý đến vấn đề “tẩy xanh” – một khái niệm để chỉ những hành vi được thiết kế để khiến mọi người tin rằng doanh nghiệp đang làm nhiều hơn để bảo vệ môi trường so với thực tế.

Đầu năm 2024, Nghị viện châu Âu thông qua luật mới chống hành vi "tẩy xanh", đưa thông tin sai lệch về sản phẩm. Tại Việt Nam hiện chưa có báo cáo ghi nhận về vấn đề này, song được cho là một rủi ro tiềm ẩn. Vấn đề gian lận sẽ làm tăng rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh.

Ở thời điểm hiện tại, hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh đang được cơ quan nhà nước dần hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa, tránh các hành vi “tẩy xanh”.

Điều này sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng trên cũng như đảm bảo cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, đưa Việt Nam trở thành đối tác đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục