Goldman Sachs: Trung Quốc có thể cấm nhập khẩu than từ Australia trong vài năm

09:59' - 07/06/2021
BNEWS Ngày càng có thêm nhiều lo ngại về khả năng Bắc Kinh có thể kéo dài lệnh cấm nhập khẩu đối với than của Australia trong vài năm.

Ngày càng có thêm nhiều lo ngại về khả năng Bắc Kinh có thể kéo dài lệnh cấm nhập khẩu đối với than của Australia trong vài năm trong khi 15 tàu chở than từ nước này vẫn đang phải neo đậu ở ngoài khơi Trung Quốc để chờ được dỡ hàng.

Chuyên gia phân tích Paul Young của tập đoàn Goldman Sachs mới đây đã đưa ra nhận định rằng, khả năng cao nhất hiện nay đối với hầu hết các nhà sản xuất than ở Australia là lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc có thể kéo dài trong vài năm.

Chia sẻ nhận định trên, chuyên gia chính Rory Simington của hãng tư vấn WoodMackenzie nói thêm, lệnh cấm có thể kéo dài “lâu hơn nhiều” so với dự đoán ban đầu.

Ông Simington nói: “Căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Australia ngày càng gia tăng kể từ khi lệnh cấm không chính thức đối với than của Australia được áp dụng vào tháng 10/2020. Hiện giờ có vẻ như lệnh cấm có thể được duy trì trong thời gian dài hơn nhiều so với dự đoán".

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang vào tháng Tư vừa qua sau khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne hủy bỏ các thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường với Trung Quốc của chính quyền bang Victoria.

Tiếp theo đó, vào đầu tháng Năm, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ đình chỉ các cuộc thảo luận và đàm phán kinh tế với Australia.

Để lấp đầy khoảng trống trong nguồn cung cấp than, ông Young cho biết, Trung Quốc đã quay sang nhập khẩu than nhiệt từ Indonesia, Nga và Colombia, và tăng nhập khẩu than cốc từ Nga, Mỹ, Canada và Mông Cổ, cũng như tăng sản lượng khai thác trong nước.

Tuy nhiên, theo WoodMackenzie, lệnh cấm đã buộc các công ty sử dụng than Trung Quốc phải trả thêm tiền để đảm bảo nguồn cung, với mức 111 USD/tấn so với 80 USD/tấn từ các công ty Australia.

Nhật báo The Australian ngày 1/6 cho biết hiện 15 tàu chở than luyện kim trị giá 440 triệu AUD (350 triệu USD) từ các mỏ ở bang Queensland vẫn đang lênh đênh ngoài khơi Trung Quốc mà chưa biết đến bao giờ mới được dỡ hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục