Google: "Một năm kinh tế buồn"

10:38' - 23/08/2020
BNEWS Giữa lúc các doanh nghiệp trên toàn cầu phải chật vật tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng thế kỷ COVID-19, các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ vẫn đạt kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II/2020.
Biểu tượng Google tại Silicon Valley, San Francisco, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giữa lúc các doanh nghiệp trên toàn cầu, dù ở lĩnh vực nào với bất kỳ quy mô hoạt động lớn hoặc nhỏ, đều đang phải chật vật tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng thế kỷ mang tên COVID-19, các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ vẫn đạt kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II/2020.

Dù vậy, trái ngược với các “ông lớn” nói trên, Alphabet – công ty mẹ của Google – thông báo lợi nhuận trong quý II/2020 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 6,96 tỷ USD do nguồn thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số sụt giảm mạnh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Đây lại là một tin xấu nữa đối với Google sau khi doanh nghiệp liên tiếp gặp phải khó khăn kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Từ cuộc chiến độc quyền với Epic Games …

Ngày 13/8 vừa qua, hãng phát triển trò chơi điện tử Epic Games (Mỹ) đã đệ đơn kiện hai tập đoàn công nghệ Apple và Goolge sau khi hai doanh nghiệp này xóa trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite khỏi các kho ứng dụng App Store và Google Play của họ. Nguyên nhân xóa bỏ ứng dụng được cho là do vi phạm các nguyên tắc thanh toán tích hợp trong ứng dụng của hai tập đoàn.

Epic Games cho biết họ khởi kiện nhằm đòi lại sự công bằng và chấm dứt sự độc quyền của Apple và Google. Epic Games cáo buộc Apple độc quyền hệ sinh thái iOS và App Store, và là cách duy nhất để đưa ứng dụng lên các điện thoại thông minh iPhone hay máy tính bảng iPad.

Chưa hết, Apple còn yêu cầu các nhà phát triển và người dùng phải sử dụng phương thức thanh toán của Apple và doanh nghiệp này thu về 30% doanh thu của các ứng dụng được đưa vào App Store.

Trong khi đó, Google cho phép các nhà phát triển đưa ứng dụng lên nền tảng Android. Ngoài ra, Google còn cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ 3 hoạt động, ví dụ như Epic Games App, hay việc đưa ứng dụng lên Android thông qua liên kết web mà không cần tới Google Play. Đây là điều mà Apple không bao giờ chấp nhận.

Song cũng như Apple, Google "tính" 30% doanh thu của tất cả giao dịch mua hàng trong ứng dụng và trò chơi điện tử (game). Bên cạnh đó, Google cũng chỉ chấp nhận một hình thức thanh toán duy nhất của doanh nghiệp này. Epic Games cho biết: “Google hứa hẹn một nền tảng cạnh tranh lành mạnh song cuối cùng lại sử dụng chính sách thanh toán của họ để tạo ra rào cản cho các ứng dụng khác”.

Về phần mình, người phát ngôn Google Dan Jackson cho biết doanh nghiệp này hoan nghênh cơ hội tiếp tục thảo luận với Epic Games để đưa Fortnite trở lại kho ứng dụng Google Play. Theo số liệu thống kê, kể từ khi ra đời vào năm 2017, Fortnite đã thu hút được khoảng 350 triệu người dùng trên thế giới.

Theo hãng phân tích thị trường di động SensorTower, Fortnite đã được tải về 2 triệu lượt từ 2 kho ứng dụng App Store và Google Play trong tháng 7/2020.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, vụ kiện của Epic Games được coi là “phát súng mở màn” cho cuộc chiến về vấn đề độc quyền đối với các “đại gia” công nghệ. Trước đó, trong phiên điều trần chống độc quyền tại Quốc hội Mỹ diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 29/7, bốn Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, Alphabet, Apple và Amazon – những nhân vật quyền lực nhất ngành công nghệ của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung - đã phải trả lời những câu hỏi khó và giải thích về những tài liệu gây lo ngại về chiến thuật cạnh tranh.

Cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 29/7 vừa qua là sự kiện nổi bật nhất trong quá trình điều tra và là phiên điều trần lớn nhất trong giới công nghệ kể từ khi Bill Gates, CEO của Microsoft khi đó ra điều trần năm 1998. Tại phiên điều trần ngày 29/7, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích bốn "đại gia" công nghệ về lạm dụng vị thế thị trường của họ.

 

Nghị sĩ David Cicilline, Chủ tịch Ủy ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, sau phiên điều trần này đã nói rằng cả bốn CEO của Facebook, Alphabet, Apple và Amazon đã thừa nhận những lo ngại xung quanh hành vi này. Ông Cicilline nói rằng những điều mà ủy ban này ghi nhận từ các nhân chứng tại phiên điều trần đã xác nhận cho các bằng chứng mà ủy ban này đã thu thập được trong suốt năm qua.

… đến vấn đề trả tiền cho nội dung tin tức và thuế công nghệ 

 Ngày 31/7, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã công bố dự thảo các quy định bắt buộc các hãng công nghệ toàn cầu trả tiền cho việc sử dụng tin tức của các doanh nghiệp truyền thông Australia để lấy ý kiến của các bên liên quan trước khi hoàn tất dự thảo vào cuối tháng 8/2020.

Phản ứng trước các quy định trên, mới đây Google đã khởi động một chiến dịch trên quy mô quốc tế, đưa ra những dấu hiệu cảnh báo màu vàng trên trang web của công cụ Search (Tìm kiếm) và tuyên bố các quy định mới sẽ ảnh hưởng đến sự tiếp cận của công chúng Australia tới các sản phẩm Search và YouTube của họ. Google còn kêu gọi các nhà sáng tạo và người xem YouTube gửi đơn khiếu nại tới cơ quan giám sát cạnh tranh của Australia để phản đối các quy định mới.

Đáp lại cách phản ứng trên của Google, trong bức thư ngỏ đăng trên nhật báo The Sydney Morning Herald ngày 20/8, Trung tâm Công nghệ có Trách nhiệm của Viện Australia, một tổ chức tư vấn độc lập, cho rằng bức thư ngỏ mà Google đưa ra vào đầu tuần và các dấu hiệu cảnh báo màu vàng trên trang web của công cụ Search là mang tính “hù dọa”.

Bức thư ngỏ của Trung tâm Công nghệ có Trách nhiệm kêu gọi Google cần tôn trọng công chúng Australia và cáo buộc hãng công nghệ của Mỹ “đang sử dụng quyền lực của mình với tư cách là một trong những công ty lớn nhất trên thế giới để đe dọa” người dân Australia sẽ phải trả phí cho việc sử dùng công cụ Search.

Bức thư khẳng định Cơ quan quản lý cạnh tranh Australia đã xem xét kỹ lưỡng tác động của Google và Facebook và xác định rằng tác động này gây "thảm họa" cho báo chí Australia qua việc tước đi nguồn thu quảng cáo của các phương tiện truyền thông truyền thống, phá hủy mô hình kinh doanh đã hỗ trợ hoạt động báo chí trong hơn 150 năm qua.

Theo ông Peter Lewis, Giám đốc Trung tâm Công nghệ có Trách nhiệm, phản hồi của Google càng cho thấy rõ lý do tại sao phải ban hành các quy định bắt buộc các hãng công nghệ lớn phải trả tiền cho việc sử dụng tin tức của các tổ chức truyền thông và đó là để tạo ra một mô hình có thể lập lại sự cân bằng trong mối quan hệ giữa các tổ chức truyền thông và nền tảng trên toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, các nước châu Âu đang cho rằng các công ty công nghệ đã đóng quá ít tiền thuế ở những nước đang có hoạt động do có thể chuyển lợi nhuận trên khắp thế giới. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết không một ai có thể chấp nhận được việc các tập đoàn công nghệ có thể kiếm lời từ 450 triệu khách hàng ở châu Âu và không đóng thuế ở những nước mà họ hoạt động.

Theo ông Le Maire, chưa bao giờ một đạo luật thuế kỹ thuật số lại cần thiết như bây giờ, đồng thời nhấn mạnh các công ty kỹ thuật số vẫn hoạt động và có khả năng vượt qua khó khăn tốt hơn so với các công ty khác trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Năm 2019, Chính phủ Pháp đã quyết định các công ty công nghệ có doanh thu tại Pháp từ 25 triệu euro (28 triệu USD) và doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên sẽ phải trả mức tối đa 3% doanh thu có được nhờ hoạt động tại thị trường này.

Trong thời gian qua, năm "đại gia" công nghệ của Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu. Dù lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi các tập đoàn này, song EU ghi nhận các tập đoàn chỉ trả bình quân 9% thuế trên lợi nhuận so với 23% của các công ty khác. Để tránh nộp thuế cao, năm tập đoàn trên còn tìm đến các "thiên đường trốn thuế" hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục