GSK từ chối bán mảng tiêu dùng cho Unilever với giá 50 tỷ bảng

17:17' - 16/01/2022
BNEWS GSK cho rằng lời chào mua của Unilever không phản ánh được giá trị nội tại của mảng hàng tiêu dùng và tiềm năng của nó.
Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh cho biết đã từ chối lời đề nghị của tập đoàn chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, Unilever về việc mua lại mảng hàng tiêu dùng của GSK với giá 50 tỷ bảng, với nhận định mức định giá về cơ bản vẫn thấp.

Trước đó, Unilever cho rằng mua lại mảng hàng tiêu dùng của GSK sẽ là một chiến lược phù hợp khi giúp định hình danh mục đầu tư của tập đoàn này bao gồm các thương hiệu thực phẩm, làm đẹp và chăm sóc gia đình.

 
Nếu được GSK chấp thuận, thỏa thuận mua lại của Unilever sẽ là thỏa thuận có quy mô lớn nhất trên toàn cầu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời đưa Unilever trở thành nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân và sắc đẹp đáng gờm, sánh ngang với Estee Lauder và L'Oreal.

Dự kiến, nếu thỏa thuận thành công, các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của GSK sẽ được hợp nhất vào mảng kinh doanh chăm sóc cá nhân và sắc đẹp của Unilever – đơn vị đóng góp nguồn thu lớn nhất cho tập đoàn. Trong khi đó, đối với GSK, thỏa thuận có thể giúp giải tỏa sức ép cần thiết từ các nhà đầu tư trong năm qua.

GSK cho biết đã nhận được ba hồ sơ dự thầu từ Unilever. Lần gần nhất vào ngày 20/12 với đề xuất gồm 41,7 tỷ bảng tiền mặt và lượng cổ phiếu của Unilever trị giá 8,3 tỷ bảng. Tuy nhiên, GSK cho rằng lời chào mua của Unilever không phản ánh được giá trị nội tại của mảng hàng tiêu dùng và tiềm năng của nó.

Theo kế hoạch, mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của GSK sẽ được tiến hành kế hoạch niêm yết cổ phiếu riêng vào giữa năm 2022.

Unilever đã từ chối đưa ra bình luận về việc tập đoàn này có đưa ra mức giá thầu cao hơn hay không. Năm ngoái, công ty môi giới Jefferies đã định giá mảng hàng tiêu dùng của GSK với trị giá 45 tỷ bảng.

Hiện Giám đốc điều hành của Unilever, Alan Jope, đang chịu sức ép xoay chuyển tình trạng giá cổ phiếu sụt giảm khi tập đoàn này vật lộn để cạnh tranh trước chi phí tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, vốn đóng góp nguồn doanh thu lớn nhất của tập đoàn.

Giá cổ phiếu của Unilever niêm yết tại thị trường chứng khoán London đã giảm 10% trong năm 2021, trái ngược với mức tăng 18% của P&G, bất chấp nhu cầu mua sắm hàng tạp hóa và đồ gia dụng do đại dịch gây ra mang lại lợi ích cho cả hai doanh nghiệp./.

>>Unilever bán mảng trà cho CVC với giá hơn 5 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục