Hà Nội: Cần tháo gỡ ách tắc về cơ chế thu hút đầu tư cho giao thông tĩnh

09:28' - 20/11/2023
BNEWS Cử tri đề nghị thành phố Hà Nội xem xét có cơ chế chính sách đặc thù đối với các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa khi đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng.

Áp lực về giao thông trên địa bàn thành phố rất lớn, gia tăng ùn tắc vào giờ cao điểm, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, thiếu bãi đỗ xe tĩnh, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố kinh doanh buôn bán khiến cho khó khăn về giao thông chồng chất... trong khi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; việc kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh còn gặp khó khăn; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông đô thị trên địa bàn vẫn còn hạn chế… là các vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây.

Bất cập giao thông tĩnh

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2019 - 2022 trên địa bàn Hà Nội là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.

Diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có trên địa bàn thành phố, còn lại 90% nhu cầu hoặc đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).

Để giải quyết nhu cầu cấp bách gửi, đỗ xe của người dân, tính đến 20/10/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ phương tiện cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985m2. UBND cấp huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe khoảng 422 điểm, với diện tích 93.300m2.

Cần tháo gỡ khó khăn

Về quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời, thành phố Hà Nội đã quy hoạch 13 bến xe khách liên tỉnh; 12 bến xe tải; 1.620 bãi đỗ xe công cộng. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách, cách thức triển khai thực hiện, nên đến nay mới có 5/13 bến xe khách liên tỉnh đang khai thác; 5/12 bến xe tải đang hoạt động và đã được đầu tư; có 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng; 66/1.620 bãi đỗ xe đang triển khai đầu tư và chưa có bãi đỗ xe trung chuyển P&R được hình thành theo quy hoạch.

Tuy nhiên, hiện nay, việc kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh, bãi đỗ xe cao tầng đang gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị thành phố xem xét có cơ chế chính sách đặc thù đối với các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa khi đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng.

Cử tri cũng đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý lòng đường và thoát nước cho một đầu mối, thuận tiện cho công tác tiếp nhận duy tu duy trì, sửa chữa khi có sự cố.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận vấn đề giao thông nói chung và trật tự an toàn giao thông, lòng đường hè phố hiện nay ở Hà Nội rất phức tạp. Hiện thành phố mới quản lý được giao thông động, phần giao thông tĩnh vẫn rất khó. Theo quy hoạch diện tích đất dành cho giao thông tĩnh phải đảm bảo 4% nhưng hiện nay mới đạt 0,7 - 0,8%. Vì thế, các quy định đỗ xe tạm dưới lòng đường vỉa hè đang diễn ra, đây cũng là "vấn nạn" chung ở các thành phố lớn… Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố để phát triển giao thông tĩnh, cần tháo gỡ ách tắc về cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc quản lý, tổ chức giao thông cũng còn những tồn tại hạn chế cần đánh giá, nhận diện kỹ về thực trạng để có giải pháp khắc phục từ thực tiễn, trong đó chú trọng các giải pháp quy hoạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cơ chế chính sách; phân cấp; thu hút đầu tư… Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực giao thông, đặc biệt là quản lý lòng đường, vỉa hè. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong Nhân dân về việc chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện kỷ cương, kỷ luật về giao thông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục