Hà Nội đưa vào khai thác nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới

17:02' - 26/12/2018
BNEWS Trong năm 2018, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới được ngành du lịch Hà Nội đưa vào khai thác phục vụ du khách, tạo thêm sức hấp dẫn cho điểm đến.
Hà Nội khai trương tuyến xe buýt du lịch 2 tầng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Đây là khẳng định của Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khi đánh giá về kết quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong hoạt động phát triển du lịch thành phố Hà Nội tổ chức ngày 26/12.

Đó là, sản phẩm phố đi bộ Trịnh Công Sơn, hai sản phẩm City tour (Thăng Long - Hà Nội city tour của Công ty cổ phần du lịch Vietnamtourims và Bon Bon City tour của Công ty Lữ hành Hanoitourist hợp tác với Công ty cổ phần du lịch OPENSEA), những bức bích họa mang chủ đề “Ký ức về Hà Nội” vòm cầu tại phố Phùng Hưng tạo không gian nghệ thuật công cộng, tạo điểm nhấn cho du khách khi tham quan phố cổ.

Bên cạnh đó, các lễ hội đặc sắc, quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức với định hướng tạo sự kiện thường niên để phục vụ người dân và du khách như: lễ hội bơi chải thuyền rồng tại Hồ Tây, lễ hội mini Show Carnival mang màu sắc châu Âu, các sự kiện, lễ hội giao lưu văn hóa, du lịch quốc tế tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách.

Để hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trên cơ sở những nội dung đã ký kết với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp lữ hành tiến hành khảo sát các điểm đến, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch như: làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông; làng nghề gốm sứ Bát Tràng - Gia Lâm; khu di tích, danh thắng Hương Sơn – chùa Hương, huyện Mỹ Đức; khu sinh thái Bản Rõm, khu Du lịch – Di tích đền Sóc, tượng Thánh Gióng, huyện Sóc Sơn…

Cơ quan này tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cho từng thị trường khách nội địa và quốc tế.

Đông đảo du khách tới tham quan không gian văn hóa làng nghề Vạn Phúc. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Đồng thời, triển khai kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ẩm thực đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm, ẩm thực trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.

Qua đó, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Hà Nội với các giá trị và sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh, gắn với thị trường cụ thể. Danh sách các điểm mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở ẩm thực đạt tiêu chuẩn cũng được cập nhật lên bản đồ mua sắm thành phố để phục vụ khách du lịch tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí.

Nhìn chung, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thúc đẩy hoạt động du lịch tới các điểm đến ở Hà Nội, du khách ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, quà lưu niệm, đặc sản địa phương của Hà Nội trong chuyến đi. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm mới có chất lượng, giá cả cạnh tranh, phục vụ tốt nhất nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Cũng trong ngày 26/12, Sở Du lịch Hà Nội tổng kết hoạt động đội hình thanh niên tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long – Hà Nội” năm 2018.

Theo đó, đã có 300 tình nguyện viên của 5 trường đại học trên địa bàn thành phố, triển khai hoạt động tại 5 điểm: khu vực Hoàng Thành Thăng Long; khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài đức Vua Lý Thái Tổ và vườn hoa Bát Giác; khu di tích lịch sử Quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ và chợ đêm quận Hoàn Kiếm; quầy thông tin du lịch phố Lê Thạch.

Đánh giá của các ban quản lý cho thấy, các tình nguyện viên tham gia tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ và giao tiếp. Đội tình nguyện đã được các nơi tiếp nhận và du khách đánh giá thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra như tuyên truyền về các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, danh thắng; hỗ trợ nghiệp vụ du lịch tại di tích, danh thắng; hỗ trợ hướng dẫn, tiếp đón du khách, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan di tích, danh thắng…

Các thành viên trong đội đã không ngừng rèn luyện, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định của điểm trực và ý thức trách nhiệm với du khách. Năm 2018, các đội tình nguyện viên đã hỗ trợ, hướng dẫn, đón tiếp khoảng hơn 36.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan tại các điểm di tích./.

Xem thêm:

>>Phú Quốc - Điểm dừng chân lý tưởng hút khách du lịch

>>Đón du khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục