Hà Nội sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân ở địa bàn có nhiều công trình vi phạm

10:26' - 07/01/2016
BNEWS Năm 2016, TP. Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng tại địa bàn để xảy ra nhiều công trình vi phạm.

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, số vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng đô thị xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch vẫn còn nhiều, một số vụ việc vi phạm được phát hiện chậm, xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm gây bức xúc dư luận xã hội.

Tòa nhà 8B Lê Trực nhìn từ phố Sơn Tây. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan; kịp thời đề xuất, báo cáo thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền, nổi cộm, bức xúc để chỉ đạo giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm trễ, gây khó khăn trong việc cấp phép xây dựng, điều chỉnh nội dung giấy phép không đúng quy định; xác định rõ công tác quản lý trật tự xây dựng là trách nhiệm chính, chủ yếu và thường xuyên để tập trung chỉ đạo điều hành.

Theo đó, UBND các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với các Đội thanh tra xây dựng trên địa bàn thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát đối với tất cả các công trình xây dựng (không phân biệt nguồn vốn và chủ đầu tư).

Phó Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, năm 2016, thành phố kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng tại địa bàn để xảy ra nhiều công trình vi phạm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng. 

Tòa nhà 8B Lê Trực xây dựng trái phép vượt 16m tương đương với 5 tầng. Ảnh: TTXVN.

Đối với Sở Xây dựng, thành phố yêu cầu khẩn trương hoàn chỉnh, trình thành phố ban hành Quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng.

Trong đó phải làm rõ việc câp giấy phép và quản lý xây dựng theo giấy phép, quy định đây đủ, cụ thể về thành phần hồ sơ, giảm bớt các công việc thuộc trách nhiệm của người lập hồ sơ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi xin phép xây dựng.

Đặc biệt, định kỳ 6 tháng Sở phải tổ chức giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng với các địa phương để tổng hợp tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ để phát hiện, lập hồ sơ vi phạm, kịp thời chuyển đến Chủ tịch UBND các cấp xử lý nghiêm, dứt điểm theo thẩm quyền, đảm bảo các vi phạm được xử lý ngay từ khi mới phát sinh. Sở phải xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này.

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; khẩn trương dự thảo các quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phối hợp với các địa phương nghiêm túc thực hiện việc tổ chức công bố, công khai các Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ hoặc thành phố phê duyệt, quản lý chỉ giới, cao độ quy hoạch, cung cấp thông tin về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, giải quyết các thủ tục hành chính về quy hoạch - kiến trúc theo phân cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý sau quy hoạch.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan xây dựng Quy trình kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công để thống nhất quản lý trên toàn địa bàn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục