Hà Nội siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng đô thị

13:54' - 09/02/2024
BNEWS Sở Xây dựng Hà Nội xác định sẽ siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư.

Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2020 - 2025", Sở Xây dựng Hà Nội xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tiếp tục sắp xếp bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, rà soát các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành; tập trung bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng có hiệu quả.

 

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng phải có giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân nông thôn đạt tỷ lệ 95%, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 40%.

Đồng thời, cần đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ; hoàn thành việc lập chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội tập trung; tăng cường quản lý, sử dụng nhà chung cư; hoàn thành Đề án thành lập ‘‘Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội’’; tham mưu có hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước để giảm tình trạng nợ đọng tiền thuê nhà, quỹ nhà trống thuộc sở hữu Nhà nước.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị; trong đó, tập trung vào các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội cần tích cực tham gia hoàn thiện các nghị định hướng dẫn cho 2 dự án luật là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; tiếp tục tham mưu cho thành phố Hà Nội ban hành quy định cụ thể hóa chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng, triển khai các nhiệm vụ chỉnh trang đô thị hiệu quả hơn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở.

Về đầu tư phát triển nhà ở xã hội, với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024 rất cao là 130.000 căn hộ, Sở Xây dựng Hà Nội phải rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã cấp phép, đã khởi công xây dựng để đăng ký chỉ tiêu năm 2024 khả thi, tích cực hơn; thúc đẩy 28 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư, sớm triển khai xây dựng…

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, năm 2023, diện tích nhà ở bình quân đầu người của Hà Nội đạt 28,6m2 sàn/người, vượt kế hoạch đề ra là 28,2m2 sàn/người. Công tác chỉnh trang đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực; trong đó, tham mưu UBND, HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp 3 công viên là Bách Thảo, Thống Nhất và Thủ Lệ; cải tạo không gian mở tại công viên Thống Nhất kết hợp với tuyến phố đi bộ tại phố Trần Nhân Tông cùng với việc mở rộng các không gian tuyến phố đi bộ khác…

Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%, ở khu vực nông thôn đạt 90% và nước thải đô thị được xử lý đạt 30,9% vượt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, năm 2023, UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 16.560 công trình; phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 416 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 2,51%.

Trong số đó, có 129 trường hợp xây dựng không phép; 232 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 50 trường hợp có các vi phạm khác.

Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 219 trường hợp, chiếm tỷ lệ 52,6%, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 197 trường hợp, chiếm tỷ lệ 47.4%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 906 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 23,7 tỷ đồng, thu về ngân sách Nhà nước trên 15,2 tỷ đồng.

Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, so với năm 2022, mặc dù số quyết định xử phạt vi phạm hành chính giảm nhưng số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 1,86 lần, tương đương 11.047 triệu đồng do có sự thay đổi quy định pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm về xây dựng.

Một số hành vi đã nhân đôi mức tiền xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND thành phố Hà Nội về quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng tại các quận thuộc thành phố Hà Nội.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15/9/2023 của UBND thành phố về việc tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các loại hình nhà ở nhiều căn hộ hay còn gọi là chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn, sở đã ban hành các văn bản triển khai, đôn đốc, hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.

Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các quận, huyện, thị xã, ngày 15/12/2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố kết quả thực hiện. Kết quả, các địa phương đã tổ chức kiểm tra 69.448 công trình; trong đó có 2.611 nhà chung cư, 30.298 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, 385 nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và 36.154 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã xử lý 156 công trình vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục