Hà Nội thu trên 21 nghìn tỷ đồng từ hoạt động vận tải

10:50' - 06/02/2025
BNEWS Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát tháng 1 ước đạt 21,1 nghìn tỷ đồng tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Tháng 1 vào thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận tải tăng cao nên việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành phố sẵn sàng các phương án phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong dịp Tết. Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát tháng 1 ước đạt 21,1 nghìn tỷ đồng tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2024.

 
Vận chuyển hành khách trong tháng 1, số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 39,6 triệu lượt người, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.157 triệu lượt người/km, tăng 2,5% và tăng 9%; doanh thu ước tính đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 16,7%.

Vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 1 ước tính đạt 149,2 triệu tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 14,6 t ỷ tấn.km, tăng 2,5% và tăng 14,9%; doanh thu ước tính đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 14,9%.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải, tháng 1 ước tính đạt 9,3 nghìn tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt 1,3 nghìn tỷ đồng.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trước, trong và sauTết Nguyên đán Ất Tỵ, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị các phương án nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, không được để bất kỳ người dân nào không có xe về quê đón Tết.

Các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh bố trí xe dự phòng, tăng cường thêm chuyến để phục vụ kịp thời người dân đi lại trong dịp Tết. Vào các ngày cao điểm, tại bến xe Giáp Bát dự kiến phục vụ 20 nghìn lượt khách/ngày, gấp 3,5 lần ngày thường dự kiến 850 - 900 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm phục vụ 5.000 lượt khách/ngày, gấp 2,5 lần với 400 lượt xe/ngày; bến xe Mỹ Đình phục vụ 22 nghìn lượt khách/ngày, gấp hơn 3,5 lần với 950 lượt xe/ngày; tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông duy trì chạy hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục lập thêm 9 đôi tàu tuyến Bắc - Nam, 13 đôi tàu khu đoạn phục vụ các tuyến trung và ngắn như Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng, cung ứng khoảng 167 nghìn chỗ với 388 chuyến tàu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngoài ra, từ 28/01 đến 31/01/2025, các chuyến tàu bổ sung được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và du xuân của người dân, đặc biệt vào đêm giao thừa Tết Ất Tỵ (ngày 29 tháng Chạp) khởi hành 2 đoàn tàu mang tên Chuyến tàu Xuân với hành trình từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại hứa hẹn nhiều trải nghiệm cho hành khách với thiết kế độc đáo, bên ngoài được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến các hoạt động văn hóa dân gian trong dịp Tết như chợ hoa, viết thư pháp, bên trong toa xe được trang trí với biểu tượng hoa đào và hoa mai, đại diện cho Tết của hai miền Nam – Bắc.

Để phục vụ khách hàng, ngành đường sắt đã mở bán vé từ sớm, được đặt qua nhiều kênh trực tuyến như website chính thức, ứng dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay và tổng đài bán vé. Các hãng hàng không (Vietnam Airlines; Pacific Airlines; Bamboo Airways; Vietjet Air, ...) đã bổ sung thêm nhiều chuyến bay từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố với nhiều khung giờ khác nhau, giá vé đa dạng và điều kiện hoàn, đổi vé linh hoạt góp phần giúp người dân thuận lợi, chủ động hơn trong những ngày cao điểm của dịp Tết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục