Hà Nội tiếp tục đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

17:05' - 15/03/2024
BNEWS Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, thành phố luôn có nhiều giải pháp, biện pháp và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nên không ít doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp của Hà Nội cũng gặp không ít vướng mắc. Vì vậy, UBND thành phố tiếp tục muốn lắng nghe những khó khăn để kịp thời tháo gỡ.

 

UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch tổ chức Hội nghị 'Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố'.

Sau nhiều lần tổ chức, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục muốn gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố để cung cấp thông tin tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Qua đây, lãnh đạo thành phố sẽ nắm bắt, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố năm 2024.

UBND thành phố yêu cầu việc tổ chức đối thoại phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư được tham gia phát biểu ý kiến và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị liên quan trả lời các kiến nghị về khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, chủ đầu tư... Tại Hội nghị hoặc sau Hội nghị các cơ quan phải thường xuyên hỗ trợ kịp thời các chủ đầu tư, doanh nghiệp giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc hoặc tham mưu giúp UBND Thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Để tổ chức, thực hiện Hội nghị nêu trên, UBND thành phố giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm chuẩn bị các nội dung Hội nghị.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố liên tục tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, cũng như thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư nhằm tìm tiếng nói chung để thu hút dự án vào địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hàng trăm thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho các sở, ngành, quận huyện giúp thủ tục thông suốt và nhanh gọn. Nhiều dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng, như: đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng…

Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua đã ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất là đầu mối giải quyết theo cơ chế “một cửa, liên thông” với tất cả các thủ tục hành chính trong khu công nghiệp về đầu tư, quy hoạch xây dựng, lao động, môi trường…

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.670,6 ha; 3 khu công nghiệp  đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4 ha, gồm: khu công nghiệp Quang Minh II, diện tích 160 ha; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, diện tích 200,6 ha; khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha.

Với chính sách linh hoạt và nhiều hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản ổn định. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, sản xuất công nghiệp đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng những ngành hàng xuất khẩu lớn, như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… Những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhiều doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm giờ làm để duy trì và giữ công nhân, rủi ro việc thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất còn hiện hữu.

Mỗi năm thành phố thu hút hàng chục ngàn dự án và doanh nghiệp thành lập mới, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội lên trên 335.000 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn lao động việc làm mỗi năm.

Tính 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chỉ số tăng nhưng theo dự báo các doanh nghiệp và các khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới nên tình hình sử dụng lao động có chiều hướng giảm.

Từ đầu năm 2024 đến nay chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục