Hải Phòng xây dựng kịch bản ứng phó tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

09:32' - 23/05/2021
BNEWS Để phòng, chống dịch COVID-19, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản, các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo ý kiến chung của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng, việc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu sống còn, do đó, tất cả đều triển khai biện pháp phòng vệ và xây dựng kịch bản ứng phó khi dịch COVID-19 xâm nhập.

*Phòng vệ để chống thiệt hại
Tại buổi làm việc gần đây của lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng với một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạ tầng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ và Khu công nghiệp An Dương (huyện An Dương), đại diện các doanh nghiệp cùng nêu ý kiến, phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng số 1 hiện nay.

Bởi đây là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp dịch COVID-19 xâm nhập, doanh nghiệp không chỉ thiệt hại về tài chính do thiếu, nhỡ đơn hàng mà còn phát sinh các chi phí liên quan đến quản lý doanh nghiệp và người lao động.
Cụ thể, theo lãnh đạo Công ty TNHH Greenworks Việt Nam (Khu công nghiệp Tràng Duệ), nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp này đang do doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Bắc Giang cung cấp.

Do đó, khi 4 khu công nghiệp của Bắc Giang tạm đóng cửa, Công ty TNHH Greenwork Việt Nam phải dùng nguyên liệu dự trữ đang có ở Hải Phòng.

Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nguồn cung.
Dịch bệnh xuất hiện ngoài làm đứt gãy cung cầu còn kéo theo tình trạng giãn cách, giảm lao động tham gia sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy.

Trong điều kiện như vậy, doanh nghiệp vẫn chi trả chi phí vận hành, đảm bảo tiền lương cũng như chế độ để người lao động ổn định cuộc sống.
Vì vậy, để hạn chế thấp nhất những tổn thất trong điều kiện dịch bệnh, các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng phương án phòng dịch như thực hiện 5 K, xây dựng kịch bản ứng phó khi trong doanh nghiệp xuất hiện F0, F1, F2 và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người lao động đối với công tác phòng chống dịch.
Tổng Giám đốc Seo Jeong Ho, Công ty TNHH Heasung Electronics, Việt Nam, Khu công nghiệp Tràng Duệ cho biết, ngoài xây dựng kịch bản ứng phó, thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh tới toàn bộ người lao động, Công ty TNHH Heasung Electronics Việt Nam đã đề nghị các chuyên gia đang sinh sống tại Hà Nội về Hải Phòng.

Người lao động tại các địa phương khác sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ và một số phúc lợi để hạn chế di chuyển, ở lại Hải Phòng trong những thời điểm dịch COVID-19 khó kiểm soát.
Cùng chung quan điểm, ông Trương Tiểu Đào, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Thâm Việt, chủ đầu tư Khu công nghiệp An Dương cho biết, hiện có trên 30 nhà đầu tư đang đầu tư tại đây với khoảng 10.000 lao động đang làm việc.

Ngoài cập nhật các thông tin, quyết sách liên quan đến phòng, chống dịch để doanh nghiệp, người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này, Khu công nghiệp An Dương còn thành lập 4 tổ công tác phòng, chống dịch, hoạt động 24/24 giờ.

Ban quản lý Khu công nghiệp An Dương yêu cầu các doanh nghiệp thuê hạ tầng thực hiện tốt thông điệp 5K, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với chuyên gia và nhóm lao động có nguy cơ cao để chủ động phòng, chống dịch.
*Đồng hành "vượt bão COVID-19" cùng nhà đầu tư
Cũng tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh hạ tầng trong Khu kinh tế Hải Phòng, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả việc kết nối cung cầu nếu doanh nghiệp cần.

Cùng với đó, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép đối với lao động nước ngoài nhanh chóng, đúng quy định pháp luật để các doanh nghiệp luôn trong điều kiện ổn định, tập trung sản xuất kinh doanh.
Để phòng, chống dịch COVID-19, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản, các biện pháp phòng, chống dịch trong trường hợp có phát sinh ca dương tính tại doanh nghiệp, đảm bảo không để đột xuất, bất ngờ và sẵn sàng triển khai ngay khi có tình huống khẩn cấp.
Ban quản lý cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quản lý lao động. Đối với lao động nước ngoài, tuyệt đối không sử dụng những trường hợp chưa được cấp phép lao động.

Đối với lao động trong nước, cần có biện pháp hạn chế tối đa việc di chuyển của người lao động ngoại tỉnh và phải xây dựng phương án di chuyển phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp chủ động hỗ trợ chỗ ở, sinh hoạt cho người lao động để người lao động yên tâm ở lại Hải Phòng.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố hiện có 406 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 17.155 triệu đô la Mỹ và 168 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 145.857 tỷ đồng.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là đơn vị quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và các khu công nghiệp khác. Đây là nơi làm việc của trên 4.800 lao động nước ngoài, gần 155.300 lao động Việt Nam. Khoảng 60% lao động Việt Nam đang làm việc tại đây là người ngoại tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục