Hải quan chủ động các phương án đồng hành cùng doanh nghiệp

17:16' - 18/08/2021
BNEWS Ngành hải quan đẩy mạnh ứng dụng các kênh giao tiếp trực tuyến để hướng dẫn và giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ kịp thời khó khăn liên quan đến việc thông quan, giao nhận hàng hóa cho doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đơn vị vận hành cảng.

Trong bối cảnh đó, ngành hải quan đã chủ động phối hợp, lên phương án đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc thông quan, giao nhận hàng hóa không bị gián đoạn trong mọi kịch bản dịch bệnh.

*Đối mặt nhiều khó khăn

Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang là những điểm nóng dịch COVID-19 với số lượng ca nhiễm lớn, phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong hơn 1 tháng qua và tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 9 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn.

Ông Phan Bình Tuy, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi Tp. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16, các doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” mới được tiếp tục hoạt động, số còn lại đang phải tạm ngừng hoạt động.

Hơn nữa, với các doanh nghiệp đang hoạt động cũng chỉ có thể duy trì tối đa 50% công suất so với trước đó. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chậm trễ hoặc chưa thể đến nhận hàng hóa, nguyên liệu đã nhập về cảng, kéo theo nguy cơ ùn ứ container tại cảng Cát Lái thời gian qua.

Theo ông Phan Bình Tuy, bên cạnh hoạt động sản xuất cầm chừng thì việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng khiến các doanh nghiệp, đơn vị làm dịch vụ khai báo hải quan, giao nhận hàng hóa gặp khó khăn cả về phương tiện di chuyển lẫn nhân sự làm việc. Ngay tại cảng Cát Lái, nhiều thời điểm đã thiếu hụt nhân công bốc xếp hàng hóa, tàu cập cảng phải chờ đợi khá lâu để dỡ hàng.

Cảng Cát Lái là cảng có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước, chiếm trên 60% số lượng container cả nước và trên 90% số lượng container của khu vực phía Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng container lưu tại cảng Cát Lái luôn ở mức trên 90% công suất chứa của cảng. Nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng quá tải, phải tạm ngừng tiếp nhận hàng hóa như một số cảng biến lớn trên thế giới thời gian qua.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương thông tin, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang ở giai đoạn bùng phát mạnh, cũng như Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tại Bình Dương phải tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”.

Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện phải tạm dừng hoạt động, đến nay có hơn 600 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động khai báo hải quan đã dừng hoạt động, số lượng hàng hóa làm thủ tục xuất nhập khẩu sụt giảm tới 42% so với trước, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm hơn 30%. Một số doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu và nhân công cũng phải dừng sản xuất.

Doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm làm thủ tục thông quan và nhận hàng hóa tại các cảng của Bình Dương và cả Tp. Hồ Chí Minh.

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Dương Hoài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, Hải quan Đồng Nai đảm nhận việc thông quan hàng hóa cho khoảng 4.000 doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai và 300 doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên từ ngày 9/7 đến nay, Đồng Nai đã áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh và yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. Hiện tại, chỉ có khoảng 1.200 doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ”, với công suất đạt 20 - 30% so với trước.

Doanh thu giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ nhưng vẫn nỗ lực cầm cự để không đứt gãy chuỗi cung ứng và mất đơn hàng, khách hàng quan trọng.

*Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đánh giá dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài, ngành hải quan đã chủ động triển khai các phương án hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa liên tục, thông suốt.

Ông Phan Bình Tuy, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi nhận thấy nguy cơ ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động kiến nghị Tổng cục Hải quan cho phép Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày từ cảng Cát Lái về Tân cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục.

Đến nay hơn 1.200 container lưu cảng trên 90 ngày đã được di chuyển về Tân cảng Hiệp Phước, giảm tải đáng kể cho cảng Cát Lái.

Hải quan Tp.Hồ Chí Minh cũng tích cực xác định sớm các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, yêu cầu tái xuất sớm, tránh tình trạng lưu bãi, chiếm chỗ của các hàng hóa khác.

Bên cạnh đó, Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Hải quan các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thực hiện việc điều phối, chuyển hướng cảng đích đối với lượng hàng hóa của các doanh nghiệp tại địa phương, cho phép doanh nghiệp nhận hàng tại cảng mới để giảm áp lực lên cảng Cát Lái và tiết kiệm chi phí vận tải cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn chia sẻ, cảng Cát Lái chiếm phần lớn lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng kinh tế phía Nam, chính vì vậy, đơn vị khai thác, vận hành cảng phải dự báo trước các nguy cơ có thể xảy ra và có phương án hạn chế thấp nhất tình huống quá tải.

Đến nay, cảng Cát Lái vẫn đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, tuy nhiên diễn biến dịch khó lường, doanh nghiệp sản xuất trong khu vực tiếp tục gặp khó khăn. Để ứng phó với tình hình trên, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đang triển khai cùng lúc nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, Tân cảng Sài Gòn đẩy nhanh tốc độ giải phóng container ra khỏi cảng thông qua hội nghị đối thoại với hơn 1.500 khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp đang sản xuất làm thủ tục thông quan và lấy hàng nhanh nhất có thể.

Tân cảng Sài Gòn tối ưu hóa công suất của kho bãi bằng cách chuyển các container rỗng ra ngoài khu vực cảng, kiểm kê, cân đối lại diện tích cho từng loại hàng phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với những doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất, Tân cảng Sài Gòn khuyến nghị doanh nghiệp đàm phán với bên bán và phối hợp với hãng tàu giãn tiến độ nhập hàng về cảng để tránh tình trạng hàng hóa lưu container, lưu bãi quá lâu.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch phức tạp, Hải quan Bình Dương thực hiện 2 mục tiêu song song là đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và thông quan hàng hóa liên tục. Các chi cục hải quan trên địa bàn tập trung thực hiện quản lý rủi ro, áp dụng kiểm tra hàng hóa bằng máy soi, hạn chế kiểm tra thủ công.

Cơ quan hải quan hướng dẫn doanh nghiệp scan các chứng từ, nộp hồ sơ hải quan điện tử để thông quan và bổ sung bản cứng sau khi dịch được kiểm soát. Bên cạnh đó, ngành hải quan đẩy mạnh ứng dụng các kênh giao tiếp trực tuyến để hướng dẫn và giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ kịp thời khó khăn liên quan đến việc thông quan, giao nhận hàng hóa cho doanh nghiệp.

Tương tự, Cục hải quan Đồng Nai cũng triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp 24/7 thông qua các đường dây nóng và hệ thống thông tin điện tử; chủ động phối hợp nhịp nhàng với hải quan các địa phương lân cận trong việc điều tiết giao nhận, thông quan hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc phối hợp giữa Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và đơn vị vận hành cảng Cát Lái thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo sự thông thoáng, đảm bảo hoạt động thông quan, giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp.

Song với tình hình dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, số lượng doanh nghiệp ngừng hoặc thu hẹp sản xuất trong khu vực phía Nam có khả năng tăng thêm, đồng nghĩa với nguy cơ hàng hóa tồn đọng tại các cảng, nhất là Cảng Cát Lái vẫn thường trực.

Do đó, Tổng Cục Hải quan đề nghị cục hải quan các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho đội ngũ cán bộ, công chức hải quan, đảm bảo nhân sự thực hiện xuyên suốt nhiệm vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu;

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đang sản xuất thực hiện việc giao nhận hàng hóa tại địa điểm thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí.

Đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do phải tạm dừng, thu hẹp sản xuất, Tổng cục Hải quan đã cho phép áp dụng chính sách không xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi chậm làm thủ tục hải quan trong điều kiện bất khả kháng.

Tổng cục Hải Quan cũng đề xuất Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc duy trì hoạt động thông quan, giao nhận hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục