Phòng chống hạn mặn, biến nguy thành cơ

09:06' - 17/04/2024
BNEWS Hạn mặn đã trở thành hiện thực khốc liệt mà người dân Nam Bộ phải gánh chịu. Nếu không thay đổi nhận thức nguồn nước ngọt là vô tận, người dân nơi đây sẽ rơi vào cảnh không có nước ngọt để sinh hoạt.

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức của người dân, cần có giải pháp cụ thể để hạn mặn không còn là thiên tai mà còn là cơ hội để người dân thích ứng với sự thay đổi của thiên nhiên, vươn lên từ những thách thức mà thiên nhiên mang lại.

Vì sao hạn mặn diễn biến phức tạp?

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Quyền, trong 10 năm gần đây, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khốc liệt. Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%.

Xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11/2023 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… hạn mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020). Ông Quyền cũng đưa ra dự báo, mùa mưa tại Nam Bộ sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ tuần giữa tháng 5), nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao.

Đánh giá về diễn biến hạn mặn những năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nhận định, những năm gần đây, hạn mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch. Độ mặn lớn nhất xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa giảm, nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngoài một số yếu tố tự nhiên nêu trên, con người cũng là yếu tố góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hiếu Trung cho rằng, việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất làm sụt lún đồng bằng, việc khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá trình đưa nước mặn vào. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre; cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển Đồng bằng sông Cửu Long....; tuy nhiên, xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu giáp biển của sông Mekong, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Cùng với dòng chính sông Tiền và sông Hậu, nơi đây có một hệ thống kênh rạch dày chằng chịt với mật độ trung bình 4 km/km2, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của thủy triều mang nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng.

Đặc biệt, trong mùa cạn, khi lưu lượng nước ở thượng lưu đổ về giảm, thủy triều ảnh hưởng mạnh lên thượng lưu và hệ thống kênh rạch nội đồng, dẫn theo nước mặn xâm nhập sâu cả trên sông và nội đồng. Mặn xâm nhập vào hệ thống sông, kênh rạch nội đồng phụ thuộc vào các yếu tố chính như: Lượng nước ngọt từ thượng lưu truyền về, độ lớn của thủy triều, các yếu tố khí tượng (chủ yếu là mưa và bốc hơi), hoạt động kinh tế xã hội như công trình dẫn nước ngọt, hệ thống kênh rạch chuyển nước ngọt và hệ thống cống, đập ngăn mặn, lượng nước lấy từ sông ngòi, kênh rạch cho các nhu cầu, chủ yếu là cho tưới...

Biến nguy thành cơ

Hạn mặn trong mùa khô 2024 diễn ra khốc liệt so với cùng kỳ nhiều năm. Để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, về giải pháp trước mắt, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác.

Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại; xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Về giải pháp lâu dài, hiện nay, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6,  có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long để dự báo, cảnh báo xu thế diễn biến nguồn nước theo từng thời kỳ trong năm, đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông. Đồng thời, xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc điều hòa, phân phối nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn sông Mekong, nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế-xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tiếp tục nghiên cứu, triển khai các phương án xây hồ chứa, các giải pháp tích trữ nước liên vùng, liên tỉnh với quy mô phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch thủy lợi, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước. Tiếp tục đàm phán, hợp tác với các quốc gia thượng nguồn có hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, để vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì chế độ dòng chảy trên sông ở mức phù hợp.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, các ngành. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là dự báo hạn 10 ngày, theo tháng, theo mùa.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, giải pháp trước mắt, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Do đó, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh; cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn đánh giá, việc nghiên cứu các biện pháp ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của mặn trên toàn phạm vi đồng bằng là một vấn đề khó khăn, tốn kém và không bền vững. Biện pháp lâu dài là phải thích ứng với xâm nhập mặn; cần phải từng bước lựa chọn và lai tạo các loại cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn, nước lợ.

Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn, bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp.

Về giải pháp lâu dài, bên cạnh giải pháp công trình, những giải pháp phi công trình cũng rất cần thiết vì đã chứng minh hiệu quả trong thời gian qua. Điển hình như việc đào ao trữ nước, trữ nước cục bộ trong dân thông qua hệ thống lót bạt trữ nước tạm thời, được xem là giải pháp hết sức quan trọng. Với khả năng trữ nước và điều tiết nước hợp lý, có thể giảm nhẹ rất nhiều yếu tố ảnh hưởng của hạn mặn trong mùa khô.

Lường trước tình trạng hạn mặn sẽ ngày càng gia tăng diện ảnh hưởng, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuẩn bị để “biến nguy thành cơ”. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long có xấp xỉ 100 giống lúa khác nhau với khoảng 10 giống chủ lực chiếm diện tích lớn. Nhờ vậy, Việt Nam có ít rủi ro trong sản xuất lúa, thích ứng được nhiều vùng sinh thái.

Nghiên cứu giống lúa cải tiến là một trong nhiệm vụ hàng đầu của các nhà khoa học Việt Nam. Không chỉ đảm bảo an ninh thực phẩm, dinh dưỡng, các nghiên cứu còn phát triển hệ thống dự đoán rủi ro, tư vấn chính sách, tạo cơ hội cho ngành lúa gạo thích ứng thiên tai, lũ lụt, xâm nhập mặn.

Tiến sỹ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Viện đã tiếp nhận khoảng 40 dòng lúa chống chịu mặn từ các trung tâm nghiên cứu lúa gạo quốc tế. Qua thử nghiệm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau cho thấy, hai giống lúa tốt nhất là IRRI147 và IRR117839-22-15-B-CMU10-1-B.

Hai giống này sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên diện rộng trước khi đưa vào sản xuất tại Sóc Trăng, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nhiều nhất của Việt Nam. Sau đó, được xuống giống tại các “điểm nóng” về độ mặn ở 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, áp dụng mô hình lúa - tôm ở Sóc Trăng, lúa - cây trồng cạn ở Tiền Giang, lúa - lúa ở Kiên Giang.

Cùng với việc nghiên cứu giống lúa chống chịu được hạn mặn, giữ vững an ninh lương thực cũng như thế mạnh của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ cho biết, qua quá trình nghiên cứu, ông và các cộng sự đã tìm ra một vài loại cây trồng có thể đưa vào sản xuất trên nền đất canh tác lúa trong điều kiện hạn mặn. Đây là hành động cụ thể nhằm biến thách thức từ biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế.

Trên nền tảng dự án mang tên: “Đa dạng cây trồng trên nền đất lúa trong điều kiện nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”, được thực hiện với sự tài trợ ngân sách hơn 2,3 triệu AUD từ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia, thuộc Chương trình viện trợ phát triển của Chính phủ Australia, các chuyên gia Đại học Cần Thơ; Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang đã nghiên cứu, lai tạo một số giống cây trồng: Ngô, củ dền, dưa hấu, diêm mạch, đậu đũa… giúp nâng cao năng suất và lợi nhuận của các hệ thống cây trồng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, các nhà khoa học cũng nghiên cứu điều chỉnh lịch thời vụ canh tác, đưa vào thử nghiệm một số giải pháp khoa học kỹ thuật mới như: Biện pháp phủ rơm mật độ 7 tấn rơm/ha; ứng dụng cảm biến nghiên cứu ẩm độ đất giúp tiết kiệm nước tưới.

Những nỗ lực đến từ nhà khoa học, nhà quản lý cũng như từ mỗi người dân đã giúp giảm bớt phần nào ảnh hưởng, tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn. Thay vào đó, người dân dần tìm thấy được con đường thích ứng với thiên nhiên, cơ hội phát triển cùng thiên nhiên. Hạn hán, xâm nhập mặn là những mối nguy hiểm xuất hiện thường trực hàng năm. Khi đón nhận những tác động khốc liệt từ nó với tâm thế vững, quyết liệt và tinh thần chủ động, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ không còn là nỗi trăn trở của người dân nữa mà sẽ là những cơ hội để chung sống hòa bình và vươn lên phát triển từ đó. Muốn có được điều này, không chỉ người dân, chính quyền địa phương mà toàn bộ hệ thống chính trị đều phải vào cuộc, chung sức đồng lòng để “ biến nguy thành cơ”, không ai bị bỏ lại phía sau.

Xem thêm:

>>Hạn mặn ở Nam Bộ - Bài 1: Sống trên nước nhưng lại thiếu nước

>>Hạn mặn ở Nam Bộ - Bài 2: Hành động khẩn cấp từ địa phương

>>Hạn mặn ở Nam Bộ - Bài 4: Tình người trong gian khó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục