Hàn Quốc ít bị tác động từ quy định hạn chế đầu tư vào Trung Quốc

11:20' - 30/10/2024
BNEWS Giới phân tích nhận định rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng với Hàn Quốc trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế.
Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 29/10 cho biết lệnh hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng tại Trung Quốc mà Mỹ vừa ban hành dự kiến sẽ có tác động hạn chế đến nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc sẽ phân tích và đánh giá cụ thể các biện pháp nhằm đưa ra phản ứng kịp thời, phù hợp.

Ngày 28/10, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành các quy định để hạn chế các khoản đầu tư từ Mỹ và các công ty của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến tại Trung Quốc bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI),  chất bán dẫn, công nghệ lượng tử... Lệnh hạn chế có hiệu lực từ ngày 2/1/2025.

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết với các chi tiết của các quy tắc vừa công bố, chính phủ Hàn Quốc sẽ duy trì liên lạc với các chuyên gia và doanh nghiệp, phân tích kỹ tác động tiềm ẩn và tích cực tìm kiếm giải pháp.

 
Giới phân tích nhận định rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng với Hàn Quốc trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế, như liên minh cầm quyền Nhật Bản không duy trì được đa số ghế trong Hạ viện, khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và tình hình không mấy sáng sủa của nền kinh tế Hàn Quốc.

Trên thị trường ngoại hối Seoul ngày 28/10, tỷ giá won/USD tăng lên 1.391,5 won trong những giờ đầu giao dịch và đóng cửa ở mức 1.385 won, giảm 3,7 won so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá hối đoái giữa đồng won và USD đã tăng 77 won chỉ trong tháng qua tương đương với việc giá trị đồng won đã giảm 5,8%. Trong số các đồng tiền của các nước lớn, đồng won mất giá lớn thứ hai sau đồng yen Nhật với mức giảm 5,9%. Tỷ giá hối đoái là chỉ số tiêu biểu nhất về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế một quốc gia.

Rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy sự sụt giảm giá trị của đồng won. Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về khả năng ông Trump giảnh chiến thắng, người đã nhiều lần tuyên bố mở rộng chi tiêu tài chính và tăng cường chủ nghĩa bảo hộ thương mại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại và đồng USD đang mạnh lên dần lên.

“Cú sốc Ishiba” khi đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, do Thủ tướng Shigeru Ishiba lãnh đạo, và liên minh cầm quyền Đảng Komeito không giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 27/10 cũng là một gánh nặng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Kết quả của cuộc bầu cử là công chúng quay lưng lại với đảng cầm quyền do tiền lương thực tế giảm do lạm phát cao. Khả năng Nhật Bản tăng thêm lãi suất trong năm nay đã trở nên khó khăn hơn.  Giá trị đồng yen suy yếu là tin xấu đối với nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, sẽ còn nhiều khó khăn xuất hiện. Ngành bán dẫn Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng trực tiếp do kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Không giống như chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại đang tìm cách thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu thông qua trợ cấp, lập trường của ứng cử viên Trump là loại bỏ trợ cấp và áp thuế đối với các công ty bán dẫn nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast vào ngày 25/10, ông Trump đã phản bác việc trợ cấp cho các công ty nước ngoài đồng thời nhấn mạnh: nếu mức thuế được đặt rất cao, các công ty bán dẫn nước ngoài sẽ đến và xây dựng các nhà máy bán dẫn ở Mỹ mà không nhận được bất kỳ khoản tiền nào.

Nếu ông Trump thắng cử, chiến lược đầu tư của Samsung Electronics, SK Hynix và TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), vốn đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy bán dẫn ở Mỹ để nhận các trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của chính quyền Tổng thống Biden, chắc chắn sẽ bị sửa đổi. Một quan chức ngành bán dẫn cho biết Hàn Quốc cho biết các công ty trên khắp thế giới có thể phải tổ chức lại chiến lược đầu tư để phù hợp với chính sách bán dẫn mới của chính phủ Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục